Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản đề nghị Hà Nội và TP HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành để kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Có hạn chế được xe cá nhân?
Thật ra, chủ trương và lộ trình thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, đã có cách đây 10 năm. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra, liệu giải pháp này có khả thi, giúp giảm ô nhiễm môi trường được bao nhiêu? Ngoài ra, cách thức thực hiện ra sao, căn cứ vào đâu để loại bỏ phương tiện được cho là cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành? Xe cũ nát và xe không đủ điều kiện lưu thông là khác nhau, lấy cơ sở nào để xác định…?
Tại TP HCM từ tháng 5-2020, triển khai chương trình "Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải môtô, xe máy đang lưu hành" nhằm hạn chế xe "quá đát" xả thải gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, đến nay, chỉ có 10.682 xe máy được kiểm tra khí thải. Trong đó, số lượng phương tiện từ 5 năm trở lên tham gia kiểm tra chỉ khoảng 7.390 xe máy, trong đó có tới 6.830 chiếc đạt chuẩn trước và sau khi bảo dưỡng (92,3%); chỉ có 402 xe máy không đạt tiêu chuẩn (5,4%). Với loại phương tiện cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành thì có bị thu hồi? Giả định có dẹp bỏ được các phương tiện này cũng chưa thể giúp hạn chế xe cá nhân bởi người dân sẽ phải tìm phương tiện khác thay thế để bảo đảm nhu cầu.
Năm 2008, Hà Nội chỉ có 2,2 triệu phương tiện, trong đó có 185.000 ôtô, sau 10 năm đã tăng lên tới 6 triệu phương tiện, cao gần 3 lần, trong đó có hơn 540.000 ôtô, 5,4 triệu xe máy. TP HCM hiện có 8,94 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có hơn 825.000 ôtô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Trong 10 năm từ năm 2010, tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông.
Đến nay rất nhiều giải pháp được đưa ra như mở rộng đường, phát triển giao thông công cộng (GTCC) nhưng tình trạng ùn ứ, kẹt xe vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trước đó, nhiều lần xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân nhưng phải dừng lại bởi ý kiến trái chiều như: người dân còn nghèo, thiếu hạ tầng cầu đường, metro chưa hoàn thành, bất tiện với xe buýt…
Nhiều giải pháp được đưa ra như mở rộng đường, phát triển giao thông công cộng nhưng tình trạng kẹt xe vẫn diễn raẢnh: Hoàng Triều
Những việc cần làm ngay
Singapore có dân số hơn 5 triệu người, cơ sở hạ tầng giao thông từng phải đối mặt với số lượng lớn phương tiện cá nhân gia tăng với tốc độ chóng mặt gây kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Chính quyền nước này đã tiến hành hạn chế xe cá nhân để tháo bỏ dần các rào cản, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa hạ tầng giao thông, tăng cường cung cấp cho người dân dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chất lượng cao.
Hà Nội và TP HCM hiện có thuận lợi là đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đã được thông qua, triển khai sẽ giúp thu hút đầu tư hạ tầng giao thông. Hơn nữa, metro và đường sắt đô thị cũng sắp hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2021.
Nên chăng, kết hợp các giải pháp giảm khí thải để bảo vệ môi trường với hạn chế xe cá nhân sẽ thiết thực, hiệu quả hơn. Đây còn là biện pháp giúp chặn bớt đà kẹt xe có dấu hiệu trầm trọng tại Hà Nội, TP HCM. Trước mắt, thu hồi các phương tiện không đủ điều kiện theo quy định nhưng lại lưu thông trên đường như xe tự chế, xả khói mù mịt, không biển số, không đăng ký… Đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đã được thông qua với các giải pháp cụ thể thì cứ mạnh dạn làm, quá trình thực hiện hãy tiếp thu thật nhiều những ý kiến thuyết phục, sâu sát thực tiễn để điều chỉnh sao cho có lợi nhất.
Chỉ cần quan sát lượng phương tiện cá nhân tràn ngập trên đường là thấy những công việc nên làm ngay. Như thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm tạo thông thoáng mặt đường rồi chọn những tuyến đường hướng trục có luồng hành khách lớn, tần suất hoạt động cao để bố trí làn riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt. Lúc đó, xe buýt sẽ thuận lợi và di chuyển nhanh để thu hút hành khách, an toàn giao thông hơn.
Triển khai thí điểm hạn chế xe cá nhân có thể làm ở khu vực trung tâm TP hoặc trên một số tuyến đường thường xảy ra ùn tắc, kẹt xe. Cứ thế, mở rộng dần phạm vi hạn chế xe cá nhân ra các khu vực khác khi đã kết nối giao thông, đủ điều kiện.
Trước đây, cũng có luồng ý kiến trái chiều về việc đội mũ bảo hiểm và cấm đốt pháo nhưng một khi đã có chủ trương, thực hiện cho thấy hiệu quả vì an toàn cho người dân, tránh lãng phí. Thiết nghĩ, việc hạn chế xe cá nhân cũng vậy và sẽ thành công vì giải quyết kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường, phát triển cho TP.
Bình luận (0)