Các nhà đầu tư (NĐT) lớn mang tính chiến lược thường tìm hiểu khá kỹ trước khi rót vốn, mở mới cơ sở sản xuất. Mặt bằng, bất động sản công nghiệp, giao thông vận chuyển thuận lợi là những yếu tố quan trọng để xem xét lựa chọn.
Chuẩn bị hạ tầng "cứng" cho phát triển
Đến nay, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao cơ bản tại TP HCM đã có chủ sử dụng. Tuy nhiên vẫn có các lợi thế khác là đang và sẽ triển khai nhiều dự án giao thông lớn mở ra không gian phát triển mới cho vùng phụ cận dọc theo các đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, cầu Cần Giờ.
Bên cạnh xây dựng đường bộ, tùy điều kiện và mục tiêu phát triển mà có kết nối giao thông hàng không là sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Long Thành (sau khi đưa vào khai thác) và hệ thống đường thủy trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp, Lòng Tàu; mở rộng bất động sản công nghiệp sản xuất tạo thành các hành lang kinh tế thu hút đầu tư cho địa phương.
Ví dụ với đặc điểm huyện Cần Giờ, có thể căn cứ định hướng phát triển để kết hợp khai thác quỹ đất khá dồi dào, sông nước, dự án siêu cảng trung chuyển quốc tế giúp thu hút đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch và công nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng cùng tối ưu hóa nuôi thủy sản gắn với chế biến, xuất khẩu.
TP HCM cần kiến tạo lợi thế mới để thu hút nhà đầu tư chiến lượcẢnh: Tấn Thạnh
Khuyến khích các NĐT mở rộng quy mô cung cấp hạ tầng công nghiệp bằng cách hỗ trợ vay vốn dài hạn với mức lãi suất phù hợp, giảm thuế thu nhập. Chính quyền đồng hành để hoàn thiện sớm các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng.
Cho phép phát triển nguồn điện tại chỗ tập trung vào năng lượng mặt trời cung cấp cho lượng phụ tải bảo đảm hoạt động sản xuất, giảm chi phí, làm cơ sở cho NĐT chứng minh có sử dụng năng lượng tái tạo.
Cơ quan chức năng xây dựng chính sách cho người dân, tổ chức cũng như hợp tác giữa các bên tham gia xây dựng hệ thống điện mặt trời để sử dụng, cung cấp năng lượng. Đây cũng là giải pháp nâng chất hạ tầng, năng lực vận tải, dịch vụ lưu thông hàng hóa; tăng hiệu quả sử dụng đất, mở rộng cung cấp hạ tầng, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Tăng ưu đãi với cơ chế mềm
Từ năm 2024, nhiều nước buộc phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu euro (800 triệu USD) đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN sẽ không còn tác dụng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sức ép lớn trong cạnh tranh thu hút chuỗi cung ứng nước ngoài thông qua giảm thuế là yếu tố quan trọng giúp đón các NĐT chiến lược. Một khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hẳn các quốc gia đang phát triển, những đô thị lớn trên thế giới cũng thay đổi chính sách và cách tiếp cận vừa giữ chân NĐT cũ vừa thu hút NĐT mới.
TP HCM nên chuẩn bị trước một bước, kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh chính sách phù hợp. Rà soát các công việc, chức năng được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, nếu thuộc thẩm quyền có thể chủ động cải cách và có giải pháp kiến tạo lợi thế riêng.
Mục tiêu nhắm đến là chất lượng đầu tư tạo ra giá trị to lớn quan trọng hơn cả những ưu đãi để hướng đến lợi ích lâu dài về tăng trưởng kinh tế, thương mại, nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Các tập đoàn lớn, DN đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ cao hoặc kéo theo chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu có thể được xem xét hỗ trợ tỉ lệ phần trăm về tài chính ngay từ đầu phục vụ xây dựng trụ sở, nhà xưởng, mua sắm thiết bị, chỗ ở cho công nhân.
Chi phí này trên tinh thần hài hòa lợi ích, trích ra từ số tiền tăng thêm thu được khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu được có thể tiến tới thỏa thuận không thu thuế đầu vào, thuế gián thu đối với công nghệ cao, công nghiệp chế biến, sản xuất chip - bán dẫn, năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế xanh ngay trong giai đoạn xúc tiến đầu tư và thỏa thuận hợp tác.
Nên có đề án cụ thể xem như hành lang pháp lý, thủ tục hành chính với cam kết rõ ràng nhằm tạo sự yên tâm cho môi trường đầu tư và kinh doanh bảo đảm an toàn, giảm thiểu các rủi ro.
Thúc đẩy DN nội địa tham gia chuỗi cung ứng cho các NĐT chiến lược, tập đoàn lớn, DN đa quốc gia, giúp cải tiến hoạt động sản xuất, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng lực nhà cung cấp trong nước.
Hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường, DN trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Liên kết hệ thống ngân hàng với các thị trường vốn, quỹ đầu tư, quản lý tài chính, cổ phiếu, trái phiếu DN phục vụ giao dịch hàng hóa, NĐT nội địa và quốc tế.
Thành lập tổ công tác đặc biệt
TP HCM nên có tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ kịp thời các trở ngại, kiến nghị giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM chủ động tìm hiểu các tiêu chí của phía đối tác, tiếp cận nhanh chóng và báo cáo tổ công tác đặc biệt có thêm cơ chế mềm giúp đạt được thỏa thuận, những cam kết cần thiết.
Thông thường, các tập đoàn lớn, DN đa quốc gia được rất nhiều nơi chào đón "trải thảm đỏ" và sẽ đặt ra một số yêu cầu để quyết định lựa chọn điểm đến đầu tư.
Bình luận (0)