Kính gửi các vị lãnh đạo tỉnh, giám đốc công an tỉnh cũng như các trưởng công an huyện ở những địa phương mà vừa rồi xảy ra các vụ phản đối trạm BOT giao thông bằng hình thức dùng "tiền lẻ" trả phí. Tôi nói từ "tiền lẻ" theo định nghĩa của mấy vị. Chứ còn nếu so với tờ 500.000 đồng thì tờ 20.000 đồng cũng coi như tiền lẻ, nhưng với người nông dân bán mớ rau tiền lời được 500 đồng đến 1.000 đồng thì đấy lại là tiền chẵn đấy các vị ạ!
Tôi chưa nói đến chuyện các vị định xử lý như thế nào, vì khoản 3 điều 23 Luật Ngân hàng đối với các hành vi bị cấm đã quy định rõ "Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành".
Vậy cái định nghĩa "tiền lẻ" mà các vị nêu chắc chắn xuất phát từ việc kiểm đếm khó khăn đúng không?
Nếu đúng thì xin nhắc cho các vị nhớ rằng việc kiểm đếm tiền trong giao dịch dân sự là việc cần làm giữa 2 bên. Ở vụ tài xế trả "tiền lẻ" thì đếm nhanh hay chậm không phải lỗi tài xế, còn như bị dồn ứ, kẹt xe do việc đếm 'tiền lẻ" là việc của trạm thu phí. Mà cần tôi cũng nói thẳng luôn cái này chính là gậy ông đập lưng ông, đúng ra mấy trạm thu phí BOT phải bắt buộc sử dụng thẻ thu phí tự động, bảng điện tử,thì các ông chủ BOT lại muốn áp dụng biện pháp thủ công.
Tại sao vậy?
Nói thẳng ra là việc không muốn tự động hóa của các ông chủ trạm thu phí BOT xuất phát từ nguyên nhân muốn kéo dài thời gian thu phí, càng dài càng tốt, bởi nếu xài hình thức thu phí tự động thì các ông khó mà giấu được số tiền đem về. Ở lập luận này, vụ trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ là một minh chứng.
Còn việc cơ quan chức năng đưa ra mấy tờ "giấy triệu tập" (mang tính bắt buộc) với những tài xế sử dụng "tiền lẻ" trả phí BOT, là trái với Bộ luật tố tụng của Nhà nước rồi đấy. Để khi báo chí và người dân lên tiếng phản đối thì các vị kêu là "mời" lên để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng?
Tâm tư và nguyện vọng không phải chỉ của mỗi giới tài xế hay doanh nghiệp vận tải không thôi mà còn bao gồm của cả người dân khắp nơi, đó là cần di dời ngay mấy trạm thu phí BOT vô lý về lại đúng vị trí của nó, đừng lợi dụng vào các lý do như thiếu kinh phí phải nhờ chủ đầu tư bỏ tiền sữa chữa quốc lộ rồi cho phép đặt trạm thu phí ở con đường độc đạo bao đời nay của người dân nữa.
Bây giờ, chủ phương tiện hay người dân nói chung không mong mỏi chính quyền địa phương sở tại đề nghị xem xét phương án giảm giá cho các phương tiện hay miễn giảm cho người dân xung quanh khu vực đặt trạm thu phí BOT như 1 kiểu ban ơn nữa. Bởi quốc lộ đó không phải là của riêng một cá nhân nào hay của riêng một bộ nào hết, mà có quyền quyết định, bởi nó là thuộc sở hữu toàn dân. Được xây dựng từ tiền đóng góp của người dân cả nước bao năm nay. Và người dân nghiễm nhiên được sử dụng miễn phí một cách chính đáng và hợp pháp.
Cũng xin thưa rằng chính người dân xung quanh khu vực trạm thu phí người ta cũng không cần phải miễn giảm, đơn giản đâu phải ai cũng có xe ô tô riêng, bây giờ tài xế hộ khẩu ở khu vực được miễn phí, hàng ngày phải chạy xe về nhà, nhưng chủ xe hộ khẩu lại không ở đó thì sao? Rồi nói như 1 người dân ở ngay trạm thu phí Cai Lậy: "Nhà tôi không có ô tô, giờ mỗi lần có người nhà bệnh đi cấp cứu phải kêu taxi, đi về tài xế thu thêm 70.000 đồng tiền phí, đã nghèo còn nghèo thêm, khổ lắm mấy chú ơi".
Hoặc như người dân tuyến tránh Biên Hòa cũng phải kêu trời vì cái trạm BOT vô lý để rồi các loại xe phải chạy vào đường nhỏ né trạm, ngoài việc gây hư hỏng các tuyến đường khác còn mang lại bao phiền toái cho người dân nơi đây.
Nói đến vậy chắc đủ để các vị hiểu rằng đã đến lúc phải nhìn nhận lại vấn đề về các trạm thu phí BOT đang gây tranh cãi; phải đặt mình vào vị trí của người dân để nhìn nhận cho đúng đắn, chính xác và hợp lòng dân. Sau đó, thay vì gửi các "văn bản hỏa tốc" lên Bộ hoặc kiến nghị với chủ đầu tư có hình thức miễn giảm thì hãy làm cái "văn bản hỏa tốc" tham mưu Chính Phủ, Quốc Hội, đề nghị dẹp bỏ hoặc di dời ngay mấy cái trạm thu phí BOT vô lý này về đúng vị trí.
Có như vậy thì các trạm thu phí BOT mới thoát được cái tên: Gian dối, thậm thụt và giả vờ đến trơ trẽn!
Bình luận (0)