Bạn đọc HẢI ĐĂNG: Tránh rơi vào bẫy "lỗ"
Dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM xây dựng là xuất phát từ nhu cầu thực tế của quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh ở thành phố. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trước khi bắt tay vào làm, phải tính toán thật kỹ, tránh rơi vào bẫy "lỗ" như đã xảy ra trước đó với việc thu phí đỗ ôtô.
Ngược thời gian một chút, trước đó, 20 tuyến đường ở TP HCM tổ chức thu phí đỗ ôtô theo giờ. Tổng kết lại, trong năm 2021 chỉ thu được hơn 2 tỉ đồng trong khi chi phí bỏ ra cho nhân công, thuê phần mềm thu phí mất hơn 10 tỉ đồng.
Hiện nay nhu cầu sử dụng tạm lòng đường, hè phố rất lớn nhưng chưa được đáp ứng. Nhiều nơi không có kinh phí bảo trì, gây khó khăn cho cả người dân và các cấp quản lý thành phố. Cũng vì vậy, hàng loạt câu hỏi cần phải được giải đáp đối với dự thảo này là:
Với khung giá đưa ra như của Sở GTVT TP HCM, ai sẽ tiếp cận được nếu có nhu cầu thuê? Có công khai để người có nhu cầu biết được những thông tin cần thiết này không? Có cần đấu giá để việc thuê đến đúng người cần không? Trường hợp nhiều người muốn thuê cùng một địa điểm, việc chọn lựa dựa trên tiêu chí nào? Hay lại xảy ra tình trạng "người quen" mới được thuê?
Hiện nay nhu cầu sử dụng tạm lòng đường, hè phố rất lớn nhưng chưa được đáp ứng. Ảnh: ANH VŨ
Luật Giao thông đường bộ quy định nếu không có vỉa hè, lề đường thì người đi bộ cần đi sát mép đường. TP HCM cần ưu tiên khoảng không gian dành cho người đi bộ khi xem xét dự thảo này. Chiều rộng mặt đường dành cho người đi bộ tối thiểu phải được 1 m; khoảng không gian còn lại có thể chấp nhận một phần nào đó cho phép làm việc khác. Không nhất thiết phải dẹp sạch hàng quán trên vỉa hè. Làm được như vậy sẽ hài hòa hơn, dễ được chấp nhận hơn, hợp tình mà cũng hợp lý.
Nếu cho thuê phải quản lý rõ ràng, không để xảy ra chiếm dụng luôn vỉa hè, lối đi bộ, có chính sách ưu tiên cho người dân tại chỗ. Đặc biệt, Sở GTVT TP HCM cần làm rõ thêm nguồn thu được dành bao nhiêu cho duy tu, đầu tư công nghệ, bồi dưỡng đội ngũ thu phí.
Cuối cùng, toàn bộ tiền thu từ việc cho thuê hằng năm công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân ai cũng có thể vào kiểm tra và nắm bắt được. Nên chăng dán QR code ở các điểm cho thuê, nộp vào chung tài khoản với định danh căn cước công dân, căn hộ cá nhân hay doanh nghiệp đăng ký thuê.
Bạn đọc NGÔ VĂN CƯỜNG: Góp phần phát triển kinh tế đêm
Cho đến nay, tại TP HCM, mô hình phố đi bộ, phố ẩm thực đã được tổ chức ở nhiều quận và dự kiến có thêm phố đi bộ ở các quận xa trung tâm. Nhìn nhận thực tế, các phố đi bộ hay chợ đêm nếu không sử dụng lòng đường, vỉa hè thì làm sao có thể kinh doanh?
Tôi từng đi du lịch nhiều nơi, thấy một số nước ở châu Âu cũng đang cho thuê vỉa hè tại một số đoạn đường trong khoảng thời gian nhất định. Đến tối, khi bớt xe đi lại, họ dùng lòng đường làm quán nhậu, để du khách ngồi uống rượu bia. Trường hợp này gần giống với mô hình phố đi bộ. Tuy nhiên, họ vẫn chừa lại lối nhỏ dành cho người đi bộ. Ví dụ ở thủ đô Paris - Pháp, chính quyền cho phép các cửa hàng được mở thêm phần bạt ra phía ngoài với quy chuẩn về diện tích, màu sắc. Khách chỉ ngồi trong khu vực vỉa hè có bạt che, không tràn ra phía ngoài phần được quy định.
TP HCM có những quận trung tâm với các con phố sôi động, khách du lịch rất thích dừng chân trên vỉa hè để nhìn ngắm, chiêm nghiệm cuộc sống, văn hóa địa phương. Sau 5 năm triển khai, phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm dần trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch và người dân địa phương. Mô hình này đã tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định cuộc sống. Hiện TP HCM tiếp tục triển khai thêm nhiều tuyến phố hàng rong khác ở quận 1 và quận 5.
Vỉa hè có sức hút rất lớn để khách du lịch tiêu thời gian, mà tiêu thời gian là tiêu tiền. Khi du khách có không gian để dừng chân lâu hơn, cảm giác tốt hơn, hưởng thụ không gian văn hóa thì khả năng chi tiêu nhiều hơn. Vì thế, vỉa hè không đơn thuần là chỗ để mọi người di chuyển mà là không gian văn hóa.
Cũng cần nhấn mạnh vỉa hè phải được ưu tiên số 1 cho người đi bộ, thứ 2 là các dịch vụ công cộng như có thể đặt ghế ngồi nghỉ, biển - bảng chỉ dẫn, nhà vệ sinh công cộng… rồi mới đến kinh doanh, bán hàng.
Ở khu vực đông khách, nếu vỉa hè có đủ độ rộng thì có thể phát triển kinh tế vỉa hè. Làm kinh tế vỉa hè tốt thậm chí còn có tác dụng giúp người dân có ý thức trang trí mặt tiền của các dãy phố, tòa nhà. Những con phố đẹp đương nhiên sẽ hút khách, cả dân địa phương và quốc tế. Dĩ nhiên, phải có quy định và chế tài rõ ràng để người dân và du khách thực hiện đúng chỉ dẫn khi sử dụng dịch vụ ở vỉa hè.
Đặc biệt, muốn quản lý tốt, cần áp dụng công nghệ. Việc áp dụng công nghệ vào quản lý, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè vừa giúp giảm nhân lực quản lý vừa tạo bộ mặt đô thị văn minh. Có thể sử dụng mã QR trong quản lý người bán hàng về thuế, phí, an toàn thực phẩm, cháy nổ; dùng camera để phát hiện, nhắc nhở và xử phạt người lấn chiếm vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-6
Bình luận (0)