Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) quy định các khoản thu nhập chịu thuế là từ tiền lương, tiền công của người lao động, thu nhập từ kinh doanh, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, từ trúng thưởng… Riêng người có thu nhập từ tiền lương được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, phụ cấp, trợ cấp; thu nhập còn lại là cơ sở để tính thuế TNCN.
Giảm bậc chịu thuế, hạ thuế suất các bậc thuế
Luật Thuế TNCN cũng quy định phương pháp tính thuế lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc có thuế suất tương ứng. Cụ thể, mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng thuế suất 5%; trên 5-10 triệu đồng thuế suất 10%; trên 10-18 triệu đồng thuế suất 15%; trên 18-32 triệu đồng thuế suất 20%; trên 32-52 triệu đồng thuế suất 25%; trên 52-80 triệu đồng thuế suất 30%, trên 80 triệu đồng thuế suất 35%.
Đặc biệt, mức thuế suất cao nhất 35% đối với thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên được dư luận xã hội cho rằng chỉ nhắm vào nhóm đối tượng làm công ăn lương, chưa bao quát được hết những người có thu nhập cao trong các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, bán hàng hóa - dịch vụ qua mạng… Đây là những lĩnh vực có những khoản thu rất lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thuế.
Bà Trần Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Thuế VIFATAX, nhận xét biểu thuế TNCN có 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày cộng với thuế suất cao, tạo ra gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới tăng nhẹ đã rơi vào thuế suất cao hơn.
"Người có thu nhập 18 triệu đồng/tháng nộp thuế 15% nhưng khi thu nhập chỉ tăng lên trên 18 triệu đồng/tháng là phải nộp thuế 20%. Vì vậy, Luật Thuế TNCN sửa đổi có thể giảm bậc chịu thuế, hạ thuế suất của các bậc thuế để thể hiện một phần tính công bằng cho một số người nộp thuế. Ngoài ra hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, mức giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp so với chi phí hằng tháng của họ" - bà Hồng đề xuất.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc lấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) làm cơ sở điều chỉnh mức tính thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh là không phù hợp. Bởi lẽ CPI chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày người dân phải chi trả.
"Theo quy định khi nào CPI tăng 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh, nên việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người nộp thuế chưa được kịp thời, gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Thực tế, lạm phát của Việt Nam thường chỉ tăng khoảng 3%-4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hằng năm đều có ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế. Vì thế, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không chỉ căn cứ vào CPI, mà còn dựa vào mức tăng thu nhập của người dân" - ông Long nói.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Điều chỉnh hợp lý, công bằng
Theo luật sư - Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa, chuyên gia tài chính và thuế Nguyễn Đức Nghĩa, giảm trừ gia cảnh nên tăng theo lương tối thiểu vùng do nhà nước quy định hằng năm.
Ví dụ, năm 2013, lương tối thiểu vùng khu vực 1 là 2.350.000 đồng. Đến năm 2023, lương tối thiểu vùng khu vực 1 tăng lên 4.680.000 đồng, tức là đã tăng gấp 2 lần. Cũng trong năm này, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế 9 triệu đồng/tháng và 3,6 triệu đồng người phụ thuộc.
Như thế, khi Luật Thuế TNCN điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tăng theo mức tăng của lương tối thiểu vùng, thì mức giảm trừ gia cảnh của năm 2023 phải tăng gấp 2 lần, tức là 9 triệu đồng x 2 = 18 triệu đồng; mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng x 2 = 7,2 triệu đồng.
Bà Phan Thị Bích Phượng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại lý Thuế Bắc Trung Nam, nêu quan điểm sửa thuế TNCN là cần thiết để bảo đảm tính công bằng, đồng thời thể hiện sự ưu ái của nhà nước đối với các trường hợp khó khăn nhưng không nên tạo ra chênh lệch quá lớn giữa các nhóm người nộp thuế, đặc biệt là giữa nhóm thu nhập cao và nhóm thu nhập thấp.
"Trong bối cảnh khó khăn sau khi trải qua đại dịch COVID-19, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ người lao động và gia đình họ giảm bớt gánh nặng. Nhà nước cần xem xét tình hình kinh tế, tình trạng đời sống của người lao động để xác định mức giảm trừ gia cảnh hợp lý và mang tính công bằng, đồng thời cần được cân nhắc với nguồn thu ngân sách và mục tiêu phát triển kinh tế" - bà Bích Phượng nói.
Bình luận (0)