Qua gần 20 năm triển khai Luật Thuế TNCN, mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế mới được điều chỉnh 2 lần, từ 4 triệu đồng/tháng năm 2007 lên 9 triệu đồng/tháng năm 2012 và 11 triệu đồng/tháng năm 2021 (mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc bằng 40%, tức 4,4 triệu đồng/người). Với mức sống của nhiều gia đình, nhất là các thành phố, đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM…, các mức giảm trừ gia cảnh này không đủ đáp ứng các chi tiêu cơ bản. Nuôi một đứa con đang tuổi ăn học bây giờ mức 4,4 triệu đồng không thể đáp ứng đủ chi phí cơ bản, chưa nói đến học thêm văn hóa, ngoại ngữ, vui chơi - giải trí khác; hay nuôi một người lớn tuổi ở đô thị cũng không thể chỉ với 4,4 triệu đồng/tháng!
Mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế không phù hợp đã được đề cập nhiều thời gian qua, nhưng đáng nói là theo lộ trình của cơ quan quản lý vạch ra thì khả năng phải đến năm 2025 mới trình Quốc hội xem xét sửa đổi sắc thuế này. Lý do được đưa ra là chương trình sửa đổi pháp luật theo quy định phải có thời gian nghiên cứu, xử lý và theo lộ trình. Vì sao lại có câu chuyện này?
Theo quy định, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ được cơ quan quản lý đề xuất Quốc hội sửa luật khi lạm phát tăng 20% là quá cứng nhắc. Bởi việc cộng cơ học mức lạm phát mỗi năm 3%-5% cho tới khi nào tăng đủ 20% mới đề xuất điều chỉnh cũng chưa đúng, không thể điều hành thuế theo lạm phát. Vì mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên, từ ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp rồi đi du lịch, vui chơi, không thể cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát.
Ngay mức chia bậc thuế là 7 bậc hiện nay cũng không hợp lý, quá nhiều bậc và quá gần nhau. Làm sao mức thuế giảm còn khoảng 3-4 mức, các mức giãn cách ra đủ lớn để có sự khác biệt rõ rệt trong đối tượng nộp thuế. Ngay thu nhập vãng lai hiện nay từ 2 triệu đồng phải đóng thuế cũng quá thấp, không phù hợp để khuyến khích người lao động phấn đấu trong công việc, sáng tạo và làm thêm ở những lĩnh vực có khả năng...
Người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đúng, tính đủ, thành ra cào bằng. Nhà nước chịu thiệt thì không sao nhưng người dân chịu thiệt là không nên, thuế TNCN cần phải linh hoạt và bám sát tình hình thực tế.
Các nước khác tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập. Do đó, cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo. Khi chính sách đã ban hành không còn phù hợp với thực tiễn thì nên sửa đổi cho phù hợp, thay vì chờ đợi quá lâu theo lộ trình. Cần phải tính toán lại việc thu thuế TNCN theo hướng không đánh thuế nhiều với nhóm người có thu nhập chỉ đủ đáp ứng những nhu cầu thiết yếu và chỉ thu thuế cao đối với nhóm người có mức sống cao thật sự.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)