Khi nói đến tình trạng “chảy máu chất xám” ở cơ quan công quyền, người ta thường đem đồng lương ra như một cái cớ hoặc là nguyên nhân trực tiếp. Tất nhiên, điều đó không sai nhưng chưa đầy đủ.
“Chảy máu chất xám”, “chân trong chân ngoài”
Với những người nắm giữ cương vị quan trọng trong cơ quan công quyền, việc họ xin rời nhiệm sở chắc chắn không chỉ vì tiền lương trả cho họ không tương xứng mà còn vì các lý do khác không kém phần quan trọng. Còn với đại đa số cán bộ công chức (CBCC), chính tiền lương là nguyên nhân khiến họ phải thay đổi quan niệm về việc làm.
Một khi cơ quan trả lương không đủ sống và không có các khoản bổng lộc, thu nhập ngoài lương hấp dẫn, buộc lòng họ phải rời nhiệm sở. Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết mức tiền lương trong các đơn vị Nhà nước không đủ sức cạnh tranh với khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nên đã có sự dịch chuyển việc làm. Chỉ trong 4 năm, từ năm 2006 đến 2009, đã có tới 16.000 người xin ra khỏi khu vực Nhà nước.
Một công chức trẻ đã nghỉ việc nói để trụ được tại cơ quan anh làm việc là chuyện không dễ dàng. Là nơi có “màu”, nhiều người muốn vào mà không được, anh được vào là do mối quan hệ gia đình. Tuy nhiên, anh còn muốn được học thêm và tự mình nuôi sống bản thân và gia đình “một cách đàng hoàng”, do đó, anh chọn cách ra đi, thay vì ở lại và chấp nhận xem những chuyện “vòi vĩnh”, “nhận bồi dưỡng” như là chuyện xã giao bình thường, gạt bỏ cái gọi là “đạo đức công vụ” sang một bên để “vui sống mỗi ngày”.
Một nữ bác sĩ giỏi tại TPHCM cũng đã rời nhiệm sở vì làm việc nhọc nhằn, phải trực đêm hôm, trách nhiệm nặng nề nhưng thu nhập không cao. Chị chuyển qua làm cho một phòng khám nước ngoài với mức lương tháng tính bằng USD, công việc nhẹ nhàng hơn mà thu nhập gấp đôi nơi làm việc cũ. Trần H., chuyên viên của một sở, cũng bỏ việc, chuyển sang làm cho công ty của nước ngoài, lương tháng xấp xỉ 30 triệu đồng.
Dù lương thấp song nhiều CBCC vẫn chấp nhận ở
lại làm việc với lòng yêu nghề, tận tình với công việc.
Trong ảnh: Cán bộ tổ hành chính công, UBND quận
Tân Bình - TPHCM giải quyết thủ tục nhà đất cho người dân. Ảnh: TẤN THẠNH
H. nói: “Nhìn lại bạn bè mới thấy mình mấy năm qua “tụt hậu” bởi lương ba cọc ba đồng. Có thêm con nhỏ, cuộc sống chật vật. Phải “bứt” mà đi cũng tiếc, song đó là quyết định đúng đắn bởi đời sống còn biết bao lo toan, không thể nói suông mãi được, chịu mãi được, phải tìm cách thay đổi cuộc sống của mình”.
Ngoài tình trạng dịch chuyển công việc hoặc ở lại làm việc với các bổng lộc, còn có rất nhiều CBCC đến cơ quan chỉ để uống trà, chuyện phiếm bởi “lương chừng đó thì làm chừng đó”, không có động lực phấn đấu và nỗ lực thăng tiến cá nhân. Nhiều cơ quan sự nghiệp thì để cho công chức được “chân trong chân ngoài” để cải thiện thu nhập, cơ quan chỉ là chỗ để “đánh trống ghi tên”, có sổ BHXH để sau này về hưu và đến tháng thì lãnh lương là chính.
Theo TS Dương Quang Tung, nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, tuy nói tiền lương của CBCC là thấp nếu so với nhu cầu thiết yếu của cuộc sống nhưng lại không phải là thấp so với hiệu quả lao động thực tế của họ. Vì thực tế hiện nay, đa số CBCC làm việc không tốt (chỉ có 30% CBCC làm việc tương đối tốt).
Làm chục năm không bằng người khác nhận thưởng Tết một lần
Đối với người lao động (NLĐ) trong các loại hình doanh nghiệp (DN), lương thấp chính là lý do đầu tiên, trực tiếp dẫn đến các cuộc tranh chấp lao động, đình công. Với thu nhập bình quân chỉ khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, không đủ giải quyết các nhu cầu tối thiểu, NLĐ buộc phải tăng ca triền miên để có thêm thu nhập bù đắp những khoản thiếu hụt trong cuộc sống.
Vì lương thấp và tăng ca nhiều, NLĐ vẫn xem bữa ăn phụ giữa ca là bữa ăn chính song chất lượng bữa ăn hiện nay ở nhiều DN rất kém, không đủ dinh dưỡng để tái tạo sức lao động khiến sức khỏe NLĐ giảm sút. Vì lương thấp, NLĐ không gắn bó với DN, khiến quan hệ lao động thường xuyên không ổn định.
Hệ lụy khác là từ sự bất bình đẳng trong từng loại hình từng DN, từng vùng, từng khu vực. Thiết kế thang, bảng lương hiện nay còn nhiều bất hợp lý, nhiều thợ giỏi vừa qua tuổi 40 đã đạt bậc thợ cao nhất. Từ đó đến khi về hưu đằng đẵng gần 20 năm, lương đã đụng trần, không tăng nữa, chỉ hưởng phụ cấp vượt khung, nếu không có thu nhập nào khác thì coi như “cá đối bằng đầu”.
Một số DN Nhà nước được ưu đãi bằng cơ chế mềm, hệ số tiền lương, tiền thưởng cao vọt so với DN khác. Nhói lòng nhiều người là chuyện thưởng Tết mỗi năm. Ở DN ăn nên làm ra, nhất là DN Nhà nước (các tập đoàn, tổng công ty), các DN làm dịch vụ, tiền lương và thưởng khiến cho người làm công ăn lương “choáng”, nhất là khoản thưởng cho các sếp DN, một người làm công ăn lương làm cả chục năm gom lại vẫn không bằng.
Nhưng hầu hết các DN dân doanh và DN FDI thì mức thưởng tháng lương thứ 13 đã là một nỗ lực lớn, trong khi mức lương đó vốn đã bị bình quân hóa, cao hơn lương tối thiểu vùng chẳng bao nhiêu. Còn lại, ở các DN nợ lương và DN làm ăn bết bát thì NLĐ trắng tay; lương, thưởng, cái Tết chỉ là những ngày buồn.
Trong quản lý tiền lương hiện vẫn còn tình trạng bất cập. Trong khi DN Nhà nước được quản lý chặt về thang, bảng lương (trừ tình trạng ưu ái một số DN “con cưng” như đã nói ở trên) thì DN FDI không báo cáo về tiền lương thực tế, không đăng ký thang, bảng lương hầu như chẳng bị chế tài.
Cũng để lách thuế thu nhập, nhiều văn phòng đại diện nước ngoài và NLĐ thỏa thuận trả lương “dưới gầm bàn”. Cách thức này vừa làm ngân sách thất thu và khi xảy ra tranh chấp thì phần thiệt thuộc về NLĐ vì không có cơ sở chứng minh và quyền lợi lâu dài của họ bị ảnh hưởng.
9 “sếp” nhận thưởng hơn 4 tỉ đồng
Năm 2008, dư luận xôn xao khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị xin trích 1.002 tỉ đồng (chiếm 36% tổng số tiền từ nguồn thu chênh lệch giá điện năm 2007) để khen thưởng CBCNV trong ngành (mỗi người tối đa 3 tháng lương).
Trong lúc này, EVN lại đòi tăng giá điện và kêu thiếu vốn, xin trả lại 13 dự án điện. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ký công văn chỉ đạo hướng xử lý.
Thủ tướng yêu cầu số tiền chênh lệch giá điện sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN, trích quỹ dự phòng tài chính và các khoản chi khác, sau đó, được trích quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 2 tháng lương CBCNV ngành điện trong năm 2007. Số tiền còn lại chuyển toàn bộ vào quỹ đầu tư phát triển của ngành điện.
Mới đây nhất, theo một báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2010, tại Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa, 9 cán bộ lãnh đạo công ty này được thưởng hơn 4 tỉ đồng, trong khi 671 lao động còn lại của công ty chỉ được thưởng 1,5 tỉ đồng.
Sở LĐ-TB-XH Khánh Hòa cho biết con số 680 lao động và 5,55 tỉ đồng tiền thưởng năm 2010 là của Công ty Du lịch Khánh Hòa, bị nhân viên sở nhập nhầm cho Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa và thực tế, năm 2010 Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa chỉ có 303 lao động. Tuy nhiên, theo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, số lao động của Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa năm 2010 là hơn 850 người. |
Kỳ tới: Phải đi từ gốc
Bình luận (0)