Nhiều tuần nay, tại khu dân cư trên đường Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình, TP HCM, tiếng ồn từ việc hát karaoke tái phát. Nhà nhà người người thi nhau hát từ trưa đến tận khuya. Có nhà còn đem loa thùng đặt trước cửa rồi 5-7 người tụm lại vừa ăn nhậu vừa hát quên cả trời đất.
Ngang nhiên thách thức
Quá căng thẳng với tiếng ồn, tôi nhắn tin qua Zalo cho chị phó chủ tịch UBND phường báo tin về việc nhiều người nhậu rồi hát karaoke gây ồn ào, mất trật tự, làm ảnh hưởng sự nghỉ ngơi của nhiều người. Chị phó chủ tịch nhắn lại sẽ cho công an phụ trách khu vực đi kiểm tra, xử lý; đồng thời cảm ơn, dặn tôi theo dõi tình hình xử lý của chính quyền địa phương.
Không biết chính quyền địa phương, lực lượng chức năng có đi kiểm tra, xử lý sau tin báo hay không nhưng tiếng ồn vẫn không dứt, âm thanh hát karaoke quá cỡ vẫn tra tấn chúng tôi đến tận khuya.
Không chỉ xóm tôi là nạn nhân của tiếng ồn do hát karaoke, mới đây, chị đồng nghiệp của tôi đưa lên Facebook cá nhân với dòng chữ: "Bạo hành âm thanh, chịu hết nổi rồi!". Theo lời của chị, hàng xóm có tiệc vui, hát karaoke với âm thanh "quá cỡ thợ mộc", tiếng loa thùng đùng đùng dội vào đầu, vào tai dù cửa nhà đã đóng kín. Báo chính quyền địa phương cũng "không ăn thua" vì tin báo nhiều rồi nhưng như "ném đá ao bèo", chẳng ai quan tâm.
Có thể thấy thời gian qua, nạn tiếng ồn ào từ việc nhậu nhẹt, hát karaoke như "tra tấn" đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy. Rất nhiều người mệt mỏi, căng thẳng đầu óc, không thể nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, học tập trở về nhà; có người chịu không nổi phải bán nhà, chuyển đi nơi khác, thậm chí có nhiều vụ án mạng chết người xảy ra xuất phát từ việc hát karaoke bất kể giờ giấc.
Để giải quyết nạn tiếng ồn từ việc hát karaoke tại các khu dân cư, TP HCM cũng như một số tỉnh, thành đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nhằm chấn chỉnh, trả lại môi trường sống văn minh, lành mạnh cho khu dân cư. Thế nhưng, tiếng ồn vẫn ngang nhiên thách thức các chỉ thị, quy định pháp luật, chính quyền địa phương; xem thường sự yên tĩnh cần có của người dân.
Minh họa: KHỀU
Trách nhiệm của cơ quan thực thi công vụ
Phải nhìn nhận một điều, dù chỉ đạo ở cấp trên khá quyết liệt, cụ thể nhưng khi triển khai xuống địa phương, chính quyền sở tại đã thiếu kiên quyết trong xử lý.
Có nhiều nguyên nhân: tâm lý xuề xòa, ngại đụng chạm; cấp cơ sở quá bận do nhiều việc, nhân sự thiếu; quyết định đã được ban hành nhưng thiếu sự kiểm tra, giám sát cũng như chế tài xử phạt đối với người đứng đầu. Đặc biệt, còn nhiều lãnh đạo cơ sở xem việc phản ánh về tiếng ồn karaoke là… chuyện nhỏ.
Một xã hội văn minh, có đầy đủ luật pháp, chế tài xử lý; một thành phố hướng đến thành phố thông minh, thành phố đáng sống thì không thể chùn bước hoặc "bó tay" với tiếng ồn karaoke. Cơ quan truyền thông đã thực hiện việc tuyên truyền liên tục; quy định của luật pháp về việc xử phạt các hành vi gây ồn ào, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, sức khỏe, sự nghỉ ngơi của nhiều người cũng đã có. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của người và cơ quan thực thi công vụ. Nếu lực lượng chức năng, lãnh đạo địa phương xem đây là trách nhiệm công vụ, nhiệm vụ trọng tâm phải xử lý dứt điểm, quyết liệt thì sẽ chủ động, có biện pháp và cách thức thực hiện đem lại kết quả tốt.
Ngoài ra, với những chỉ thị, chỉ đạo đã được ban hành; những yêu cầu buộc phải thực thi, lãnh đạo thành phố (và tỉnh, thành) cần thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện ở địa phương, kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu địa phương, cơ quan liên quan chưa thực thi tốt chỉ thị, chỉ đạo, buông lỏng quản lý.
Nếu quyết tâm và đồng lòng, những quy định pháp luật, chỉ thị của cấp trên mới được coi trọng và thực sự đi vào cuộc sống, đem lại niềm tin cho người dân. Nhìn Singapore, được cả thế giới biết đến là một quốc gia xanh, sạch, ngăn nắp là nhờ họ liên tục ra các quy định, hình thức chế tài buộc người dân tuân thủ (ngay cả với các hành vi mà hiện chúng ta vẫn xem là chuyện nhỏ như: xả rác bừa bãi, ăn uống trên phương tiện công cộng, vứt tàn thuốc lá nơi công cộng…), đặc biệt là việc thực thi nghiêm khắc những quy định này.
Chỉ cần cán bộ làm tròn chức trách
Liên quan đến nạn tiếng ồn karaoke, Báo Người Lao Động liên tục nhận được phản ánh đầy bức xúc của bạn đọc gửi đến.
Bạn đọc Vi Lê kể: "Nơi tôi ở gần như ngày nào hàng xóm cũng hát karaoke, hết nhà này lại đến nhà khác. Mặc dù nhà xây lớp tường dày vẫn không chống chịu nổi với những "tiếng hát vịt bầu". Ngay cả người làm việc ở chính quyền địa phương cũng cho thuê loa kẹo kéo, cũng hát karaoke ồn ào. Qua nhắc nhở thì lời ra tiếng vào, bị đe dọa đâm chém, còn cứ im lặng thì không khác gì sống dưới sự tra tấn không hồi kết. Đến khi nào cơ quan chức năng mới xử lý tình trạng này?".
Cũng bức xúc không kém, bạn đọc Trần Đức viết: "Họ không sợ cảnh sát khu vực. Khu nhà tôi có 2 nhà chuyên hát karaoke và một quán cà phê chuyên tụ tập "anh chị" đến nhậu bất cứ ngày nào trong tuần. Họ đem loa kéo ra giữa hẻm ca hát đinh tai nhức óc. Tôi có gọi cảnh sát khu vực mấy lần, khi cảnh sát xuống, họ còn cãi tay đôi, nói là có quyền giải trí, điều luật nào cấm. Cuối cùng, khi cảnh sát đi thì đâu lại vào đấy. Hẻm tôi không biết mắc tội gì mà khổ vậy, con cái khó học hành, người đi làm về không thể nghỉ ngơi, thật là không biết phải giải quyết ra sao?".
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Phúc Bảo Định thẳng thắn chỉ ra: "Luật đã có mà tại chính quyền địa phương không chịu xử lý".
Để xử lý tình trạng này, bạn đọc Thiên Vương kết luận: "Chỉ cần cán bộ khu vực làm tròn chức trách là chắc chắn dẹp được nạn tiếng ồn". Còn bạn đọc Nguyễn Duy Thắng đề xuất: "Đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện nên tổ chức đối thoại với người dân bởi rất nhiều lĩnh vực người dân bức xúc nhưng không biết kêu ai".
H.Hiếu ghi
Bình luận (0)