Đây là nội dung trong Chỉ thị số 06/CT-BGTVT về thực hiện Chính sách Quốc gia phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn trong ngành giao thông vận tải (GTVT) vừa được Bộ trưởng Đinh La Thăng ký ban hành.
Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh
Theo chỉ thị này, trong những năm qua, ngành GTVT đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành. Trong đó, có các hoạt động nhằm ngăn chặn việc lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác (gọi chung là rượu bia) gây hại đến sức khỏe của người sử dụng, đến gia đình, xã hội và đặc biệt nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc ngành, Bộ trưởng Đinh La Thăng “nghiêm cấm sử dụng rượu bia trước khi làm việc, trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa 2 buổi trong ngày làm việc và ngày trực, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách”.
Trong các ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc, “tư lệnh” ngành GTVT đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ gương mẫu, đi đầu thực hiện các quy định của pháp luật; trước khi điều khiển phương tiện không được uống rượu bia; đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Để thực hiện được chủ trương này, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu: “Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu bia nêu trên vào nội quy, quy chế tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua khen thưởng của cơ quan, đơn vị và tổ chức tuyên truyền, đôn đốc, giám sát việc thực hiện”.
Chủ trương đúng và hợp lý
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng việc cấm uống rượu bia trong giờ làm việc hay tại các hội nghị, buổi tiếp khách là một chủ trương đúng, hợp lý, vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia vừa giảm được chi phí cho ngân sách.
“Tuy nhiên, để thực hiện được thì cần phải có quyết tâm cao từ đội ngũ lãnh đạo Bộ GTVT trong việc giám sát, xử lý các cán bộ, công chức, người lao động vi phạm quy định này” - ông Hậu nhận xét.
Tối 8-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT, cho biết việc cấm uống rượu bia trong giờ làm việc là điều không có gì mới mẻ. Thực tế, Chính phủ cũng đã có quy định về việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong đó có nội dung không uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn trong ngày làm việc. Nhiều bộ, ngành, địa phương (như Tổng cục Thống kê, Bộ Tư pháp...) cũng đã ban hành các quy định tương tự chỉ thị của Bộ GTVT vừa ban hành.
“Thực ra, Bộ GTVT đã triển khai việc này từ lâu rồi, giờ chỉ cụ thể hóa bằng chỉ thị mà thôi. Tuy nhiên, từ nay, chúng tôi sẽ có văn bản để phổ biến, vận động lãnh đạo cũng như toàn thể người lao động gương mẫu thực hiện, Công đoàn sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc này” - ông Việt khẳng định.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GTVT, cho rằng với sự quyết liệt của bộ trưởng và sự đồng lòng của các cán bộ toàn ngành, chắc chắn chỉ thị này sẽ có kết quả tốt.
Cấm phải kèm theo chế tài
Việc nghiêm cấm cán bộ sử dụng rượu bia trước khi làm việc, trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa 2 buổi trong ngày làm việc và ngày trực, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách là đúng đắn, nên làm. Cán bộ, công chức khi tiếp dân mà mặt đỏ bừng bừng, hơi thở toàn rượu bia vừa vi phạm tác phong vừa thiếu tôn trọng người dân, chưa kể say xỉn sẽ giải quyết công việc không hiệu quả.
Quy định này vừa giúp tiết kiệm, chống lãng phí vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về tính hiệu quả của chỉ thị này. Chỉ thị đúng đắn, hợp lòng dân mà thiếu chế tài đủ mạnh thì sẽ không khả thi, “đầu voi đuôi chuột”, rầm rộ một thời gian rồi cũng rơi vào quên lãng.
Cấm thì được rồi nhưng nếu lỡ vi phạm thì xử lý ra sao? Điều này mới quan trọng. Mong rằng Bộ GTVT nói được phải làm được. Xin đừng cấm để rồi cuối cùng kiểm điểm, rút kinh nghiệm, huề cả làng.
Lê Ngọc Anh (công chức quận 1, TP HCM)
Bình luận (0)