Vấn đề lấn chiếm lòng lề đường ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều hàng quán, thậm chí bãi giữ xe, được mở trên vỉa hè, người đi bộ phải luồn lách giữa các hàng quán này hoặc phải đi dưới lòng đường. Chưa kể đến việc nhiều xe hàng rong đậu dưới lòng đường gây cản trở giao thông, dẫn đến kẹt xe, ùn tắc.
Pháp luật nghiêm cấm lấn chiếm
Theo quy định tại khoản 3 điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc sử dụng lòng, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị nghiêm cấm. Theo khoản 2 điều 35 của luật này, việc họp chợ, mua bán hàng hóa trên đường bộ, tụ tập đông người trái phép là hành vi không được thực hiện.
Về phạm vi địa điểm kinh doanh của cá nhân bán hàng rong, theo điểm đ khoản 1 điều 6 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP, nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực, tuyến đường, địa điểm khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Ngoài ra, theo điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi bán hàng rong hoặc hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, có thể bị phạt từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện. Mức phạt có sự thay đổi đối với các hành vi khác nhau như: sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân và 4-6 triệu đồng đối với tổ chức.
Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe, phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, 12-16 triệu đồng đối với tổ chức. Nếu chiếm dụng từ 20 m2 trở lên, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với cá nhân, 20-30 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, buộc phải thu dọn vật tư, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Đặc biệt, việc sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ mà gây thiệt hại cho người khác, tùy mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm (tội "Cản trở giao thông đường bộ"). Trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.
Luật quy định rõ nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra tràn lan Ảnh: Thu Hồng
Cần có chế tài xử lý cán bộ
Luật quy định rõ như vậy nhưng tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra tràn lan là bởi lực lượng quản lý đô thị tại các phường, quận, kể cả lực lượng liên ngành, quá mỏng; đâu đó vẫn có tình trạng cán bộ bảo kê, nhiều trường hợp chỉ cần chi trả các khoản "lệ phí ngoài" thì mua được vị trí vỉa hè làm khu để xe cho khách hàng... khiến việc quản lý hay ra quân lập lại trật tự vỉa hè không đạt được hiệu quả.
Vì vậy, cần phải siết chặt công tác quản lý trong nội bộ cơ quan có trách nhiệm quản lý đô thị, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm. Phải có quy định chế tài như xử lý cán bộ, công chức lạm quyền, cấp phép không đúng quy định và xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh.
Cần xác định rõ hè phố nào là đặc thù được sử dụng một phần để kinh doanh. Việc thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cần phải được tổ chức triển khai công khai, quản lý chặt chẽ; phân công trách nhiệm rõ ràng; làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của UBND phường, xã, thị trấn. Để việc thu phí hài hòa lợi ích kinh tế, an toàn giao thông và quản lý đô thị, có thể giao cho một đơn vị trực thuộc thu phí để tránh tình trạng tiêu cực.
Không thể để một nhóm người chiếm dụng
Theo bạn đọc Trọng Đào, vỉa hè là hành lang giao thông, khoảng cách an toàn cho các công trình mặt tiền đường, đồng thời cho người đi bộ sử dụng. Thế nhưng nhiều năm qua, vỉa hè đã bị chiếm dụng dưới nhiều hình thức, làm méo mó và biến dạng đô thị. "Vỉa hè không thể cùng một lúc gánh quá nhiều công năng" - bạn đọc Trọng Đào khẳng định.
Bạn đọc Thái Hữu Tài bức xúc: "Đừng vin vào gia đình hoàn cảnh khó khăn để bất chấp quy định pháp luật. Ngày nào còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, làm dịch vụ riêng cho cá nhân là còn tai nạn giao thông, còn bất công cho những người nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp. Công trình vỉa hè là từ tiền thuế chung của mọi người, cớ sao để cho một nhóm người chiếm dụng?".
Nhiều bạn đọc khác cho rằng vỉa hè là nơi công cộng bao gồm không gian và mặt đất, bất cứ việc xâm phạm, chiếm dụng đều phải bị xử lý nghiêm minh. Nếu địa phương nghiêm túc và quyết tâm thì việc dẹp vỉa hè không khó. "Khi chưa xử lý mạnh tay, chưa cấm triệt để việc lấn chiếm vỉa hè thì mọi giải pháp đều khó khả thi, đặc biệt tại các TP lớn, khu vực kinh doanh, buôn bán" - bạn đọc Công Thành kết luận.
Còn bạn đọc Tuấn Minh đề xuất: "Nơi nào để lấn chiếm vỉa hè thì người đứng đầu phải bị đình chỉ công tác, xử lý kỷ luật, có như vậy mới chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè tràn lan như lâu nay".
H.Hiếu
Bình luận (0)