Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, về vấn đề này.
Phóng viên: "Họp quá nhiều", "Nghe họp là ngán!", "Ám ảnh lắm!"… Nhiều cán bộ lãnh đạo đã tâm sự rất thật lòng như vậy với phóng viên Báo Người Lao Động khi đề cập đến đề tài họp. Ý kiến của ông về việc này ra sao?
- Ông Lê Hoài Trung: Họp nhiều đúng là "bệnh nan y" hiện nay. Tôi lấy ví dụ mới đây, tại một cuộc họp về giải phóng mặt bằng, giám đốc một sở đề nghị lập ban chỉ đạo để thực hiện. Việc này đúng ra thuộc đơn vị nào được giao nhiệm vụ thì đơn vị đó phải làm, lập thêm ban chỉ đạo, mỗi lần họp mời mấy chục người ở nhiều đơn vị khác nhau thì "chết" nữa.
Có những nội dung họp đến 5-6 cuộc: họp ý tưởng, họp góp ý, họp dự thảo, họp thông qua, họp kết luận, họp triển khai thực hiện... Một việc mà kéo dài quá nhiều cuộc họp mới giải quyết được. Họp suốt, thời gian đâu để đầu óc suy nghĩ ra cái mới? Một buổi sáng họp 2-3 cuộc mà nghe toàn những chuyện nhức đầu, thử hỏi còn minh mẫn, sáng suốt không? Đó là chưa kể gần như ngày nào cũng có lịch họp, tiếp khách, sức nào chịu nổi.
Vậy, thực tế là hiện có nhiều cuộc họp thật sự không cần thiết, thậm chí vô bổ?
- Chắc chắn là vậy. Nhiều cuộc họp rất hình thức, họp về để đó, văn bản báo cáo cho xong, vì vậy có tình trạng họp xong một thời gian sau coi lại chưa làm gì cả, tiếp tục họp nữa. Chính những cuộc họp như vậy gây lãng phí rất lớn về thời gian, nguồn lực, tồn đọng công việc... Chưa kể cách tổ chức họp như hiện nay chưa ổn. Có những cuộc họp mà hết gần phân nửa thời gian dành để đọc báo cáo, thời gian còn lại thì các địa phương đọc tham luận rồi người chủ trì lại đọc một bản kết luận đã chuẩn bị sẵn...
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến họp nhiều như thế?
- Họp nhiều bởi có cơ chế tập thể. Theo quy định, có những việc phải đưa ra tập thể quyết hoặc những việc còn vướng mắc, ý kiến khác nhau giữa các đơn vị... thì cần họp để thống nhất, chỉ đạo. Tuy nhiên, nhiều trường hợp "dựa đóm ăn tàn", "cuốn theo chiều gió". Luật đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, cứ thế mà làm; nếu trong quá trình làm mà vượt thẩm quyền thì mới kiến nghị, không cần phải họp, không cần phải báo cáo. Vậy mà nhiều đơn vị cứ đề nghị thành lập hội đồng, ban chỉ đạo, rồi tổ chức nhiều cuộc họp, xin chủ trương này, chủ trương nọ để tránh né, đẩy cho cuộc họp. Đây là lý do dẫn đến họp nhiều.
Mục tiêu hướng đến của TP HCM là giảm tối đa các cuộc họp Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nguyên nhân họp nhiều nữa là sợ trách nhiệm, né trách nhiệm người đứng đầu nên chuyện gì cũng họp lấy ý kiến tập thể. Phải xác định trách nhiệm người đứng đầu: chủ tịch UBND TP giải quyết cái gì, giám đốc sở - ngành giải quyết cái gì, chủ tịch UBND quận - huyện giải quyết cái gì... Trách nhiệm của ai, người đó giải quyết. Đằng này thành lập ban chỉ đạo, hội đồng để đưa ra tập thể ý kiến, họp có kết luận mới giải quyết. Điều đó đồng nghĩa với việc tránh né trách nhiệm, tránh né chức năng quản lý chuyên ngành đã được quy định. Hiện nay, có quá nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác, hội đồng hoạt động không hiệu quả, lãng phí thời gian, còn trách nhiệm thì chung chung.
Đã bắt được "bệnh" họp nhiều, vậy làm cách nào để chữa trị, thưa ông?
- Nguyên tắc cơ bản để giảm họp là tổ chức tốt chức năng quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị; thực thi đúng chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân, phát huy vai trò người đứng đầu. Ngoài ra, cần tăng cường liên thông giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh họp trực tuyến giữa các đơn vị, họp theo mảng, theo khối để giảm chi phí, nguồn lực con người, thời gian. Chỉ những vấn đề theo quy định cần lấy ý kiến tập thể mới phải họp nhưng phải chất lượng, hiệu quả.
Mục tiêu hướng đến của TP HCM là giảm tối đa các cuộc họp. Muốn vậy, người chủ trì phải xác định cần họp hay không, họp nội dung gì, cơ quan nào chủ trì báo cáo, thành phần dự họp, thời gian dự họp... Họp nội dung gì phải chuẩn bị tài liệu đưa trước cho những thành viên dự họp, chuẩn bị thật kỹ để bàn cho đúng, không lan man. Khi vô họp, người được giao nhiệm vụ báo cáo ngắn gọn, xin ý kiến các thành viên dự họp, người chủ trì kết luận thực hiện là xong.
TP đang tiếp tục phân cấp, phân quyền cho các quận - huyện, sở - ngành để giảm thời gian họp, chi phí giấy mực, đi lại... dành thời gian tập trung cho công việc. Sở Nội vụ cũng đã trình UBND TP đề án giảm họp. Trước mắt là xin chủ trương, sau đó triển khai cho tất cả sở - ngành, quận - huyện. Sau một thời gian đánh giá lại rồi mới từng bước giảm. Phải có lộ trình, bước đi để bảo đảm thành công.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-9
Bình luận (0)