"Anh tranh thủ đến làm việc để tôi còn đi kiểm tra trật tự lòng lề đường trên địa bàn. Hôm nay, tôi thật sự không còn khoảng thời gian trống nào" - ông Nguyễn Phước Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM), trả lời khi chúng tôi liên lạc để làm việc vào chiều 13-9.
Họp họp họp!
Đúng hẹn, chúng tôi đến phường cũng là lúc ông Bình đang trao đổi công việc với cấp dưới. Chào xã giao xong, ông Bình giải quyết công việc đang dang dở rồi mới có thể tiếp chuyện chúng tôi. Thế nhưng, buổi nói chuyện liên tục bị ngắt quãng do nhân viên tranh thủ vào trình hồ sơ để ông Bình ký do chiều ông có lịch họp đột xuất.
Trò chuyện với chúng tôi chỉ trong vài phút, ông Bình cáo lỗi đi họp. Đến 15 giờ, ông Bình dẫn đầu đoàn công tác của phường đi kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt trật tự lòng đường, vỉa hè trên Quốc lộ 1, đoạn qua phường Bình Hưng Hòa. Công việc này kết thúc lúc 18 giờ 20 phút.
"Hôm nay kết thúc như vậy là sớm, có tuần họp đến 4-5 ngày mà có những cuộc họp kéo dài đến 12 giờ 30 phút, phải tranh thủ ăn nhanh đĩa cơm ở vỉa hè để kịp buổi họp chiều ở phường. Rồi có hôm đi học quân sự tập trung xong về giải quyết công việc còn tồn đọng đến 9, 10 giờ tối mới ra khỏi cơ quan. Thậm chí có những tuần chủ nhật cũng không được nghỉ vì còn phải họp với khu phố" - ông Bình kể.
Trước đó, ngày 11-9, chúng tôi liên hệ xin gặp ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, vào đầu giờ chiều. Tuy nhiên, ông Nam cho biết đang có cuộc họp tại trụ sở đến hơn 15 giờ mới xong. Cuộc họp kéo dài hơn dự kiến, chúng tôi kiên nhẫn ngồi chờ. Thế nhưng, ngay sau đó, ông Nam lại có cuộc họp đột xuất ở nơi khác. Chúng tôi lại tiếp tục chờ đến 18 giờ 30 phút, chiếc ô tô của sở mới đưa ông Nam về. Vừa xuống xe, ông vừa trao đổi qua điện thoại với cấp dưới vừa lật đật lên tầng một xem một số văn bản mà các chuyên viên văn phòng đã soạn sẵn. Mãi gần 19 giờ, vị phó giám đốc sở mới có thời gian dành cho chúng tôi.
"Ám ảnh lắm!". Ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, đã thốt lên như vậy khi trao đổi với chúng tôi về chuyện họp. Ông Phụng cho biết công việc của lãnh đạo huyện ủy rất bận rộn mà lịch họp được gửi tới liên tục nên phải tranh thủ xử lý công việc trong giờ ăn cơm trưa. "Tôi không khi nào rời cơ quan trước 19 giờ. Chưa kể phải dự học, tập huấn các lớp chuyên ngành khiến thời gian gần như không còn" - ông Phụng bày tỏ.
Cũng theo ông Phụng, thực tế xảy ra tình trạng một nội dung nhưng cứ lặp đi lặp lại tại hội nghị này, tổng kết nọ khiến rất nhiều cán bộ mệt mỏi. Thường trực huyện ủy chỉ có 3 người, vậy mà trong một buổi sáng có đến 4-5 cuộc họp nên phải ủy quyền cho cấp dưới họp thay, ghi nhận về báo cáo lại. Có khi cả lãnh đạo huyện đi chung ô tô 12 chỗ từ huyện đến các hội nghị, đơn vị chia nhau để họp.
"Vừa qua, Huyện ủy và UBND Bình Chánh đã đưa ra giải pháp giảm họp bằng cách một hội nghị phải triển khai từ 2-3 nội dung, bỏ đi phần báo cáo trong tài liệu. Mong sao từng bước khắc phục được chuyện cùng nhau chạy đi họp" - ông Phụng giãi bày.
Minh họa: KHỀU
Chuẩn bị đi họp từ chiều hôm trước
Là địa phương thuộc xã đảo, cách trung tâm TP HCM hơn 70 km nên mỗi lần có cuộc họp là mỗi lần khó khăn cho cán bộ công tác tại UBND xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Để có thể tham gia các buổi họp tại UBND TP hoặc các sở, ngành, cán bộ ở đây phải chuẩn bị từ chiều hôm trước.
"Hằng ngày, thuyền đưa đón từ huyện Cần Giờ ra đảo Thạnh An theo các khung giờ cố định. Để không bị trễ giờ họp, tôi và những cán bộ xã khác phải xin đi nhờ thuyền của người dân đến ở tạm nhà người thân gần UBND huyện Cần Giờ. Hôm sau, tự đi xe máy hoặc xin đi chung ô tô của UBND huyện lúc 5 giờ, trễ lắm thì 5 giờ 30 phút. Mỗi cuộc họp chắc phải mất gần 1 ngày cho việc đi lại và dự họp. Chúng tôi phải tranh thủ ngày họp, tối ôm hồ sơ về giải quyết" - ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, chia sẻ.
Một lãnh đạo UBND huyện Củ Chi cho biết địa phương có nhiều vấn đề nóng, đặc biệt là việc giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực đất đai luôn quá tải. Trong khi đó rất nhiều cuộc họp từ TP, sở, ngành rồi họp nội bộ, họp tổng kết…
"Có những thông báo, giấy mời nói chung chung, nếu không đi thì sợ thiếu nội dung quan trọng, mà đi dự họp rồi mới biết đã nắm qua. Từ sở trở về huyện cũng mất nửa ngày ngồi xe" - vị cán bộ này than thở.
Còn theo chủ tịch một phường ở quận Thủ Đức, đặc thù của cấp phường, xã là triển khai công việc trực tiếp với các khu phố cũng như họp dân. "Nói thiệt ai đi họp cũng sợ. Dường như ngày nào cũng họp, không họp ở trên quận thì họp cấp phường, rồi buổi tối thì họp với người dân" - vị này chia sẻ.
Cũng theo vị cán bộ này, sự ra đời của các ban chỉ đạo buộc phải thành lập hội đồng và phải họp theo quy định, nếu không họp là sai quy chế. Các ban chỉ đạo có nhiều người, có ban họp tháng, có ban họp quý. Chưa kể đến việc xét duyệt hộ chính sách, người khuyết tật, người đi cai nghiện ma túy bắt buộc… Nếu phát sinh thêm một trường hợp cũng phải họp để xét duyệt. Ngoài đi họp, lãnh đạo phường còn phải đi tập huấn, học các lớp nghiệp vụ như an ninh quốc phòng, công tác tôn giáo…
17 cuộc họp/tuần
Theo lịch công tác của HĐND-UBND quận Gò Vấp từ ngày 11 đến 16-9, lãnh đạo HĐND-UBND quận (chủ tịch, phó chủ tịch) có 12 cuộc họp trong tuần. Dày đặc nhất là các ngày thứ hai, thứ ba. Điển hình ngày thứ hai có 4 cuộc họp giao ban; ngày thứ ba, dự lễ khai giảng lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND 16 phường; nghe báo cáo về việc thực hiện gia hạn hợp đồng cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích năm 2017; họp giao ban Ban An toàn giao thông quận; họp Đảng ủy cơ quan.
Còn theo lịch họp của Ban Giám đốc Sở Xây dựng từ ngày 18 đến 24-9, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, phải chủ trì và tham dự 17 cuộc họp, kể cả ngày chủ nhật. Thời gian giám đốc giải quyết, xử lý hồ sơ thường rơi vào thời điểm nghỉ trưa và chiều tối. Lịch tiếp dân diễn ra vào sáng thứ bảy.
Riêng ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, tham gia 10 cuộc họp trong tuần (từ ngày 18 đến 24-9).
Bình luận (0)