“Tôi đã đóng cho “cò” xuất khẩu lao động (XKLĐ) 6.000 USD nhưng sau đó không thể liên lạc được với anh ta. Nhờ công an thì họ nói quan hệ dân sự nên không can thiệp. Tôi không biết phải làm sao?” - anh Võ Văn Lợi (ngụ thị trấn Ba Tri, tỉnh Bến Tre) phản ánh với Báo Người Lao Động.
Nộp tiền xong, mất liên lạc
Năm 2014, anh Lợi được một người quen tên Huỳnh Quốc Nhiên (ngụ tỉnh Vĩnh Long) giới thiệu Võ Nguyễn Thanh Chương (ngụ đường Hòa Hưng, phường 12, quận 10, TP HCM) có khả năng đưa lao động sang Nhật làm việc. Sau đó, anh Lợi cùng Chương ký một giấy thỏa thuận với nội dung: Chương có trách nhiệm hướng dẫn anh Lợi làm thủ tục nhập học vào trường kỹ thuật nghiệp vụ; thu các khoản phí cho quá trình hướng dẫn làm hồ sơ; có quyền chấm dứt không thực hiện thỏa thuận nếu anh Lợi vi phạm nghĩa vụ cam kết… Anh Lợi phải nộp cho Chương một khoản tiền, chia làm 3 đợt. Đợt 1, nộp 4.000 USD ngay sau khi ký giấy thỏa thuận; đợt 2 nộp 1.500 USD trong vòng 1 tuần tính từ ngày anh Lợi bắt đầu học; đợt 3 nộp 1.500 USD ngay khi kết thúc kỳ thi ngoại ngữ…
Trong giấy thỏa thuận không có từ ngữ nào liên quan đến việc đưa đi XKLĐ, công việc phải làm, điều kiện làm việc, mức lương… Thậm chí, không có tên công ty nơi Chương làm việc.
Ngày 9-3-2014, anh Lợi giao 4.000 USD cho Chương. Đến tháng 6-2014, Chương đề nghị anh Lợi đưa thêm 2.000 USD để đào tạo nghề nhưng lại đưa anh Lợi sang một trung tâm đào tạo ở quận 3 học tiếng Nhật, sau đó bảo anh Lợi đợi hoàn tất hồ sơ sẽ đưa đi Nhật. Chờ hoài không thấy Chương liên lạc, anh Lợi nhiều lần tìm đến nhà của Chương nhưng người nhà đều nói Chương không có ở nhà. Cho rằng bị Chương lừa, anh Lợi trình báo UBND phường 12, quận 10 thì được chỉ qua phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Tiếp đó, anh Lợi được hướng dẫn đến Công an quận 10, Công an quận Bình Tân nhưng đều không được thụ lý giải quyết.
Ngoài anh Lợi, các anh Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hữu Thảo, Nguyễn Tấn Đạt, Lê Hữu Nghĩa…(cùng ngụ tỉnh Bến Tre) cũng đã đóng 6.000 USD/người cho Chương và cũng không được đi XKLĐ.
Tranh chấp dân sự
Theo Công an quận 10, anh Lợi giao tiền cho Chương tại một căn nhà trên địa bàn quận Bình Tân nên nơi đây chuyển thông tin và đơn tố cáo đến Công an quận Bình Tân giải quyết theo thẩm quyền.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ Công an quận 10, ngày 24-6, Công an quận Bình Tân đã có thông báo với nội dung Chương vi phạm hợp đồng với anh Lợi là tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an quận Bình Tân; đề nghị anh Lợi liên hệ tòa án để được giải quyết nếu có yêu cầu.
“Tôi nhiều lần tìm đến nhà, điện thoại cho Nhiên và Chương nhưng họ bặt vô âm tín thì làm sao mà kiện được? Chỉ cầu mong cơ quan công an vào cuộc, vạch mặt hành vi lừa đảo của Chương và Nhiên” - anh Lợi nói.
Theo giám đốc một công ty chuyên đưa lao động sang thị trường Nhật, các nghiệp đoàn Nhật Bản thường đến Việt Nam tuyển chọn lao động trực tiếp. Khi tu nghiệp sinh trúng tuyển, nghiệp đoàn và xí nghiệp tiếp nhận luôn và thông báo thời gian dự kiến xuất cảnh cho tu nghiệp sinh biết và tập trung học tập.
“Vì vậy, khi người lao động đăng ký đi Nhật mà chưa được phỏng vấn hoặc không được phỏng vấn, không được thông báo thời gian xuất cảnh và ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng thì không nên đóng tiền. Muốn đi XKLĐ, người lao động nên đến các cơ quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh hoặc tham khảo danh sách các công ty được phép XKLĐ, thị trường lao động các nước tại trang web của Cục Quản lý Lao động ngoài nước: www.dolab.gov.vn hoặc trang web: www.hotrolaodongngoainuoc.org” - vị giám đốc này cảnh báo.
Khiếu nại lên cấp trên
Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích ngay từ đầu đã có sự không rõ ràng giữa các bên: bên giao tiền không xác định rõ yêu cầu của mình; bên nhận tiền không xác định rõ các công việc phải thực hiện nên mới dẫn đến hậu quả như trên. Cơ quan điều tra từ chối thụ lý giải quyết vì không có dấu hiệu tội phạm. Nếu xét thấy chưa thỏa đáng vì người cung cấp dịch vụ được cho là không có chức năng XKLĐ, tạo ra thông tin sai lệch để lấy lòng tin, nhận tiền nhưng không đạt kết quả, không trả lại và lẩn trốn… thì đương sự có quyền chuyển vụ việc đến VKSND cùng cấp hoặc cơ quan điều tra cấp trên để xem xét lại. Nếu vẫn bị từ chối thụ lý thì chuyển vụ việc ra tòa dân sự có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.
Bình luận (0)