xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tính pháp lý của “hợp đồng tình cảm”

Luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP HCM)

Hoa hậu Phương Nga có thể bị khép tội hay không tùy thuộc vào kết quả điều tra bổ sung mà phần lớn có liên quan đến "hợp đồng tình cảm"

Cuối cùng, sau một ngày thẩm vấn, TAND TP HCM đã quyết định trả hồ sơ vụ án hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) lừa đảo chiếm đoạt tài sản do phát sinh tình tiết mới liên quan đến “hợp đồng tình cảm”.

Trong vụ án này, có 2 vấn đề nổi bật đáng lưu tâm: Bà Nga bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khi ra tòa xuất hiện “hợp đồng tình cảm”, vậy bà Nga có bị khép tội lừa đảo hay không? Nếu “hợp đồng tình cảm” là có thật thì xử lý thế nào? Hai vấn đề này có liên quan với nhau hay tách biệt độc lập?

Không có tội nếu bản hợp đồng là thật

Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì bà Nga đã bị khởi tố, kết luận điều tra, truy tố và ra cáo trạng rồi. Như vậy, dấu hiệu phạm tội đã rõ, có bằng chứng về tội này. Tuy nhiên, từ dấu hiệu phạm tội đến kết luận có phạm tội; từ có bằng chứng phạm tội đến việc bằng chứng phạm tội đó có đúng sự thật khách quan hay không, có được dùng làm cơ sở để định tội hay không, thì lại là việc khác.

Thực tế diễn biến phiên tòa cho thấy có nhiều điều còn uẩn khúc, chưa được làm sáng tỏ, việc điều tra chưa toàn diện, chưa làm rõ sự thực khách quan của vụ án, trong đó có việc xuất hiện “hợp đồng tình cảm” kèm những tình tiết, thông tin có liên quan. Vì vậy mà tòa đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Giả sử điều tra bổ sung xác định có tồn tại bản “hợp đồng tình cảm”, nội dung của nó có liên quan đến chuyện tiền bạc, trùng khớp hoặc liên quan mật thiết, hữu cơ với các khoản tiền mà bà Nga nhận của ông Cao Toàn Mỹ trong tố cáo lừa đảo (hay nói cách khác, thực chất là khoản tiền ông Mỹ chuyển trả cho bà Nga để thực hiện nghĩa vụ theo “hợp đồng tình cảm”) thì bà Nga không bị khép tội lừa đảo. Nếu việc chuyển tiền, thanh toán tiền giữa ông Mỹ và bà Nga trong vụ tố cáo lừa đảo không liên quan gì đến việc thanh toán tiền theo “hợp đồng tình cảm” và chứng minh được là khoản tiền ông Mỹ chuyển bà Nga để “làm ăn” theo tư vấn của Nga mà thực sự không có vụ làm ăn, chỉ là do bà Nga bịa ra để lấy tiền ông Mỹ, thì bà Nga vẫn bị truy tố tội lừa đảo.


Bị cáo Phương Nga tại tòa. Ảnh: Phạm Dũng

Bị cáo Phương Nga tại tòa. Ảnh: Phạm Dũng

Phải trả lại tiền

Về việc xử lý “hợp đồng tình cảm”, pháp luật dân sự Việt Nam không có quy định về loại hợp đồng này nên giao dịch này không được pháp luật bảo vệ. Nếu có tồn tại bản hợp đồng này và có đưa ra tranh chấp thì đường lối xét xử là tuyên hợp đồng vô hiệu. Việc xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu là trên nguyên tắc “các bên trả lại nhau những gì đã nhận của nhau, nếu có hưởng lợi từ giao dịch thì sẽ bị tịch thu phần hưởng lợi bất chính đó”.

Tóm lại, bà Nga có thể bị khép tội hoặc trắng án tùy thuộc vào kết quả điều tra bổ sung mà phần lớn có liên quan đến “hợp đồng tình cảm”. Có điều, dù bị tội hay không, nếu bà Nga xác nhận hoặc có bằng chứng rõ ràng bà Nga đã nhận tiền của ông Mỹ mà không phải mục đích cho, tặng thì phải trả tiền lại cho ông Mỹ.

Bên cạnh đó, nếu điều tra bổ sung xác định không có sự lừa đảo mà do ông Mỹ gài bẫy bà Nga để chuyển khoản tiền “tình phí” (đương nhiên ông Mỹ phải trả theo “hợp đồng”) thành khoản tiền “đầu tư làm ăn” thì bà Nga có thể kiện ngược lại ông Mỹ tội “Vu khống”. Thậm chí, điều tra ra bản “hợp đồng tình cảm” kia là có thật, nội dung xác định được bà Nga - ông Mỹ sống chung như vợ chồng thì còn bị xem xét về tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng”. Tuy nhiên, để kết tội trường hợp này phải chứng minh được việc sống chung như vợ chồng này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này rồi mà còn vi phạm.

Thỏa thuận trái pháp luật, đạo đức

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP HCM, bào chữa cho bà Nga) cho rằng tình tiết bà Nga khai tại tòa về bản “hợp đồng tình cảm” 7 năm, số tiền 16,5 tỉ đồng với ông Mỹ là căn cứ quan trọng để HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đây là quyết định đúng đắn và cần thiết. Bởi lẽ, thỏa thuận này có nội dung trái pháp luật và đạo đức xã hội vì người đã có vợ con nhưng vẫn bất chấp để quan hệ tình cảm với người khác. Hành vi thỏa thuận này có dấu hiệu của tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng” quy định tại điều 147 Bộ Luật Hình sự. Đây được xem là nội dung quan trọng và cũng là điều khiến bà Nga sử dụng “quyền im lặng” trong suốt quá trình điều tra. Với những gì diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, bà Nga có thể sẽ được minh oan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về nội dung “hợp đồng tình cảm” giữa ông Mỹ và bà Nga xuất hiện trên mạng gây xôn xao dư luận, đây là nguồn tài liệu chưa được xác thực. Tuy nhiên, lời khai của bà Nga tại tòa khá trùng hợp với nội dung tài liệu được tung lên mạng. Vì vậy, tôi sẽ có kiến nghị yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ lời khai của bà Nga cũng như những hộp thư cá nhân bà Nga đã sử dụng để trao đổi với ông Mỹ.

S.Hưng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo