Trái với những hân hoan thường thấy của người hâm mộ khi nước nhà nhận vinh dự đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn, lần này trăn trở của dư luận quanh việc Việt Nam trở thành chủ nhà Á vận hội (ASIAD) 18 - năm 2019 ngày càng trở nên nóng bỏng.
Mập mờ kinh phí tổ chức
Từ người dân bình thường cho đến đại biểu cơ quan lập pháp cao nhất đất nước - Quốc hội, tất cả đều gặp nhau ở yêu cầu: Bài toán tổ chức ASIAD 18 cần phải có đáp án rõ ràng, minh bạch, thuyết phục và cả phương án từ bỏ quyền đăng cai cũng phải được đưa ra xem xét!
Những bức xúc trên hoàn toàn chính đáng khi dư luận chứng kiến dự trù chi phí cho tổ chức ASIAD 18 thay đổi liên tục. Năm 2010, đề án đăng cai ASIAD đưa ra khái toán kinh phí 5.155 tỉ đồng. Tháng 6-2012, để thuyết phục Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) trình đề án với chi phí giảm còn 4.162 tỉ đồng (thực chi dự tính 3.149 tỉ đồng, tức khoảng 150 triệu USD). Nhưng đến bây giờ, khi ra giải trình trước Quốc hội, con số này lại vọt lên 5.475 tỉ đồng!
Đáng nói hơn nữa là tính toán này không nhận được sự đồng tình từ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt - Bộ Tài chính. Dù bộ trưởng VH-TT-DL trấn an dư luận rằng chúng ta đăng cai ASIAD chỉ phải đầu tư 20% (còn 80% sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có) nhưng theo ước lượng của Bộ Tài chính, chỉ một phần nâng cấp, sửa chữa và xây công trình mới trong tỉ lệ 20% nói trên đã phải là 5.800 tỉ đồng! Đó là chưa kể 80% cơ sở sẵn có vốn chỉ là xác nhà và lại đòi hỏi chi phí khác - cũng sẽ rất khổng lồ - để đáp ứng yêu cầu phục vụ ASIAD.
Mặt khác, có những hoài nghi nghiêm túc quanh tính khả thi của con số 150 triệu USD. Cần biết, năm 2003 khi Việt Nam tổ chức SEA Games 22, dự chi ban đầu chỉ là 90 triệu USD nhưng thực chi vọt lên 300 triệu USD. Thực tế, theo nhiều chuyên gia ngành thể thao, chi phí cho tổ chức ASIAD 18 phải ở tầm 1 tỉ USD.
Chỉ toàn hứa hẹn
Bộ trưởng VH-TT-DL hứa hẹn kế hoạch tổ chức ASIAD 18 sẽ hợp lý nếu kinh tế nước nhà phục hồi, đây là điều không một ai có thể bảo đảm. Những công trình khổng lồ phục vụ ASIAD như trường đua xe lòng chảo (dự tính 10.000 tỉ đồng), làng vận động viên (dự tính trên 2.000 tỉ đồng) sẽ đến từ xã hội hóa nhưng đến lúc này, việc tìm tiếng nói chung với nhà đầu tư vẫn còn trục trặc. Nếu nhà đầu tư rút lui vào giờ chót, ban tổ chức ASIAD lại sẽ đi cầu xin Chính phủ bỏ tiền ra với lý do chuẩn bị sẵn: Không làm thì mất mặt?
Việc sử dụng các công trình hậu ASIAD là vấn đề trăn trở khác nếu nhớ lại vài công trình phục vụ SEA Games 2003 chưa được sử dụng hết công năng hoặc không đúng công năng. Những hiệu ứng tích cực được hứa hẹn như thu hút du khách, đột phá đưa thể thao đỉnh cao nước nhà lên tầm cao mới, xem ra chỉ là bức tranh vẽ màu hồng hơn là cơ sở đáng tin cậy để cấp quản lý nhà nước quyết định đầu tư khoản tiền khổng lồ vào đó, đặc biệt khi thực tế xã hội chúng ta còn rất nhiều khó khăn và nỗi ám ảnh nợ đầu tư công vẫn lơ lửng với ví dụ nhãn tiền Athens (Hy Lạp) tổ chức Olympic 2004.
Với câu trả lời của Bộ VH-TT-DL đưa ra kém thuyết phục, chúng tôi thiết nghĩ Quốc hội cần chính thức yêu cầu có buổi giải trình toàn diện của Chính phủ trước Quốc hội, cân nhắc đầy đủ nhất mọi lý do nên - không nên và bỏ phiếu lấy ý kiến tất cả đại biểu. Tổ chức ASIAD 18, quyết sách trọng đại và rất tốn kém, chỉ nên thông qua khi ghi nhận được sự đồng thuận lớn từ Quốc hội.
Đừng học làm sang
Hàng trăm bạn đọc đã phải thốt lên “xót quá” khi nghe được thông tin Việt Nam phải chi số tiền khổng lồ để tổ chức ASIAD 18. “Đất nước ta còn nghèo, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế những năm qua và nhiều năm tới sẽ còn ảm đạm... là những vấn đề đáng quan tâm và đáng đầu tư để cải thiện hơn là vung tay cho thế giới biết mình là ai?” - bạn đọc Nguyễn Chiến Thắng nêu.
Trước thông tin chi phí tổ chức sẽ lớn hơn nhiều lần so với con số dự tính 150 triệu USD mà Bộ trưởng Bộ TT-VH-DL Hoàng Tuấn Anh giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bạn đọc Hồ Anh Tuấn cho rằng: Không thể chấp nhận cách giải trình như thế. Kinh phí tổ chức là tiền của người dân nên phải minh bạch và tính hiệu quả phải thuyết phục. Khi đã đăng cai rồi mới lấy ý kiến người dân, trình Quốc hội là thêm một lần đặt người dân vào tình thế đã rồi. “Đây là việc làm thiếu tôn trọng và “ép” người dân phải nai lưng ra đóng tiền cho một sự kiện mà hiệu quả như thế nào đến nay còn quá mơ hồ” - bạn đọc Anh Tuấn nhận xét.
Hàng loạt câu hỏi đã được bạn đọc đặt ra: Vì sao phải quyết đăng cai ASIAD 18 bằng được? Nếu kinh phí vượt hơn dự toán quá lớn, ai chịu trách nhiệm bù vào? Kinh tế đang khó khăn thì tại sao phải chi vào đây số tiền “khủng”?. “Ông bà ta từng nói “liệu cơm gắp mắm”, nếu vung tay quá trán thì khổ nhất vẫn là người dân - những người vất vả đóng thuế, đang phải gồng mình vượt qua tình hình kinh tế còn khó khăn” - bạn đọc Hoàng Dung bày tỏ. P.Hồ
Bình luận (0)