Khổ nỗi, ấm ức là thế, mệt mỏi là thế, bực bội như thế nhưng "văn hóa giờ dây thun" này đã trở thành chuyện thường ngày ở các đô thị - nơi cuộc sống vốn tất bật, dường như luôn thiếu thời gian.
Từ Tây sang Đông, từ văn hóa bản địa đến văn hóa hội nhập, việc tôn trọng thời gian luôn được đặt ra kể cả ước lệ hoặc cụ thể bằng văn bản. Trước hết, nó tiết kiệm được thời gian của mọi người, kế đó chính là sự tôn trọng trong giao tiếp. Quan trọng hơn, đúng giờ giúp mọi người chủ động trong công việc lẫn sinh hoạt. Vậy thì cớ gì phải dằn vặt nhau bằng việc phớt lờ thời gian của người khác và của bản thân!
Bước chân đến đám cưới, hoặc đám tiệc nào đó thì gia chủ đừng nghĩ rằng khách mời hân hoan toàn tâm, toàn ý. Họ tham dự có vài phần trách nhiệm, vài phần vì nể và vài phần tình cảm. Phần nào cũng là sự tiết kiệm, sắp xếp nhiều công việc khác để duy trì một mối quan hệ xã hội. Việc này càng không phải là nghĩa vụ để buộc mình tuân thủ làm vui lòng gia chủ.
Sau một ngày làm việc vất vả, ai cũng muốn nghỉ ngơi. Có được ngày cuối tuần ai cũng muốn ưu tiên dành cho công việc gia đình và gần gũi con cái… Họ đến dự đám tiệc phần lớn là tỏ sự tôn trọng nhưng nghịch lý là gia chủ cũng chẳng tôn trọng thời gian của người mà mình gửi lời mời. Vậy nên bắt khách chờ đợi là việc bất nhã mà dường như ít người xem trọng.
Sự khập khiễng về giờ giấc này dẫn đến một thói quen rất tệ là lâu dần thì mọi người xem là hiển nhiên. Vậy nên mới có tình trạng, mời 17 giờ thì cứ từ từ 19 giờ hãy đến. Chủ - khách vờn nhau cùng mệt mỏi, cùng ngao ngán và cùng hào phóng với vốn thời gian ít ỏi của mình.
Trái lại, tôi đã nhiều lần đi đám tiệc ở thôn quê. Mời đám cưới 11 giờ 30 khai tiệc nhưng khách đã đến hầu như đầy đủ lúc 10 giờ 30. Hỏi ra, một người khách nông dân nói rằng phải đi sớm một chút để gia chủ chủ động xắp xếp khách mời. Ban đầu cứ vào bàn ngồi, khi gặp người quen, cùng công việc, cùng mối quan hệ… thì dần dần thay đổi lại vị trí để ai cũng có thể thoải mái. Đến giờ khai tiệc mọi thứ đã xong xuôi, cả gia chủ, khách mời đều thoải mái.
Thời gian được đo qua chiếc đồng hồ. Trước chiếc đồng hồ thời gian được đo bằng bóng nắng. Trước khi dùng bóng nắng người tiền sử đo bằng chu kỳ của tự nhiên (mùa màng, mùa thời tiết, sự sinh trưởng của cây cối…). Có nghĩa rằng việc đo đếm thời gian rất cần thiết và quan trọng. Phớt lờ nó dù chỉ trong tiệc vui cũng là sự vô lý.
Đồng hồ là vật dụng thời trang. Đồng ý. Nhưng không ai đeo đồng hồ khi bộ máy của nó ngừng chạy cả. Chúng ta bực mình vì trễ chuyến bay, cáu gắt vì cậu bồi bàn mang thức ăn ra chậm… thì tại sao phải khiến người khác chờ đợi. Không tôn trọng thời gian của người khác, xét cho cùng cũng là một kiểu đánh cắp.
Cuối năm cũng là mùa cưới, đồng thời là khoảng thời gian ai nấy đều bận rộn chạy đua với công việc nên mỗi người nên tôn trọng thời gian của người khác để tiệc tùng được trọn vui.
Bình luận (0)