Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1, TP HCM của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, dự kiến tiêu tốn khoảng 20-30 tỉ đồng. Ý kiến đồng tình thì ít mà phản đối thì nhiều.
Trước phản ứng của dư luận, cơ quan đề xuất đã giải thích về sự cần thiết của công trình, dẫn chứng mô hình mái che hè phố ở một số nước... Tuy nhiên, giải thích này vẫn chưa thuyết phục người dân.
Vấn đề không nằm ở mức đầu tư vài chục tỉ đồng cho một tuyến đường trung tâm của đô thị lớn nhất nước, nơi mỗi ngày đóng góp gần 1.200 tỉ đồng cho "túi tiền" quốc gia. Vấn đề là làm sao thể hiện tư duy, tầm nhìn, sự kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai để không hối tiếc, để tránh làm rồi phải sửa lại.
Đường Lê Lợi tái lập mặt bằng sau khi thi công gói thầu thuộc dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)
Suốt 8 năm "hy sinh" để xây dựng Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Lê Lợi đã chịu nhiều tổn thương. Một trong những con đường đẹp nhất thành phố phải chịu cảnh rào chắn để thi công ga tàu điện ngầm. Tượng đài Trần Nguyên Hãn, tượng liệt nữ Quách Thị Trang phải lận đận cảnh di dời. Cư dân và dân doanh dọc theo tuyến phố này nhiều năm rơi vào cảnh làm ăn, mua bán vướng víu, di chuyển bất tiện.
Từ lâu, đường Lê Lợi không chỉ là tuyến phố sầm uất nối kết chợ Bến Thành - một biểu tượng của TP HCM - với Nhà hát lớn thành phố - một chứng tích lịch sử, không chỉ là phố kinh doanh, thương mại, du lịch... mà còn là ký ức tuổi thơ, là kỷ niệm tuổi già, trở thành không gian sống trong hiện tại và niềm tin vào tương lai.
Cơ quan đề xuất xây dựng mái che cho đường Lê Lợi không phải không có lý khi cho rằng hiện trạng tuyến đường không thể bố trí ngay mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước đó. Nhưng, sẽ ra sao nếu không gian văn hóa này bị lột bỏ "áo xanh", "che dù cứng" bằng những vật liệu vô cảm? Tại sao không thể khoác cho bộ mặt đô thị những mảng xanh đầy sức sống ngay từ bây giờ?
Nhìn lại lịch sử phát triển hơn 300 năm của đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM, dù trải qua những bước thăng trầm nhưng sự tồn tại những tán cây xanh ven đường đã đem lại sức sống cho thành phố cũng như mang giá trị kinh tế và có ý nghĩa về mặt môi trường, lịch sử, văn hóa.
Những người am tường đô thị lớn nhất nước cho hay trong phác thảo đầu tiên của người Pháp cho bộ mặt thành phố đã hiện diện những mảng xanh nhằm tạo ra không gian sống trong lành hơn khi những khối bê tông xuất hiện này càng nhiều. Đủ loại cây vùng nhiệt đới, có tán mát như xoài, sao, dầu, gõ, bàng, me tây (còng), điệp (phượng vĩ)... được trồng ở những tuyến đường sau này trở thành địa danh quen thuộc như Bùng binh Cây Gõ, Cây Gòn, ngã tư Hàng Xanh, chợ Vườn Chuối, chợ Cây Thị...
Trước sức ép của đô thị đang lớn nhanh với nhu cầu mở rộng đường phục vụ giao thông rất lớn, cần cải tạo, làm mới nhiều tuyến đường, không ít cây xanh đã bị "đoạt mạng" để nhường chỗ cho những "công trình cứng" được gắn mác tiện ích, hiện đại.
Đúng là đã có không ít tranh cãi về mặt lợi, mặt hại của những loại cây trồng dọc theo các tuyến phố. Việc chọn trồng cây loại gì cho phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc ra sao để vừa phục vụ cảnh quan môi trường, văn hóa bản địa vừa đáp ứng nhu giao thông, đi lại... là bài toán không dễ.
Người dân TP HCM cũng như người dân miền Tây cảm thấy phiền hà khi phải hít thở không khí nồng nặc mùi hoa sữa. Còn ở Hà Nội, nhiều người dân từng lên tiếng phản đối quyết định bứng bỏ hàng trăm cây phong lá đỏ trụi lá trên đường Nguyễn Chí Thanh do không phù hợp thổ nhưỡng để trồng cây khác, gây tiêu tốn ngân sách... Dù không ít cây trồng đã bị thay thế nhưng chúng ta phải cảm ơn những người quản lý thế hệ trước đã chọn phương án gìn giữ lá phổi xanh cho thành phố.
Nhìn rộng ra các đô thị lớn trên thế giới, việc "mặc áo xanh" cho thành phố luôn được ưu tiên hơn phương án "che dù cứng" bằng công trình xây dựng. Công trình mái che mang lại nhiều tiện ích không thể phủ nhận nhưng cây xanh là thực thể sống, là chọn lựa cho sự sống an toàn.
Người dân TP HCM từng bùi ngùi chia tay hàng cây sao cổ thụ trăm tuổi rợp bóng mát trên đường Tôn Đức Thắng, chẳng khác nào chia tay vĩnh viễn người thân. Nay, chúng ta lại chứng kiến sự thiếu vắng cây xanh trên đường Lê Lợi.
Mong rằng chính quyền TP HCM có quyết định đúng đắn nhằm tạo ra không gian sống an lành hơn cho thế hệ mai sau, tạo điểm nhấn du lịch xanh, thay vì bắt người dân phải "chui ống" hay "che dù cứng" vô cảm trong lòng thành phố văn minh, nghĩa tình.
Bình luận (0)