Câu chuyện về những "phụ huynh cá biệt" vẫn đang là một nốt lặng buồn bã, nhức nhối của giáo dục. Nhìn lại quãng thời gian hơn chục năm đứng trên bục giảng của mình, tôi nghĩ hầu hết giáo viên đều ít nhất một vài lần trách phạt trò, bằng cách này hay cách khác.
Tôi cũng thế, trách phạt trò và gặp sự cố. Nhưng tôi may mắn hơn cô giáo ở Long An, ở Nghệ An bởi tôi nhận được sự thấu cảm từ phía phụ huynh. "Tai nạn nghề nghiệp" cách đây 4 năm vẫn mãi in đậm trong tôi.
Tháng 8-2014, tôi được thuyên chuyển công tác về gần nhà. Đó là một ngôi trường có số học sinh đông nhất huyện nằm ven TP, nhiều xô bồ, ồn ã. Cha mẹ học sinh phần đông kinh doanh buôn bán hoặc làm ăn xa gửi con cho ông bà. Thú thật, so với địa bàn công tác cũ, học sinh ở đây nhiễm thói xấu hơi nhiều.
Tôi được phân công vào giảng dạy 4 lớp 7 nghịch ngợm có tiếng ở trường. Bao nhiêu học sinh khá giỏi, chăm ngoan đều dồn vào lớp chọn của khối nên trong việc giảng dạy ở các lớp còn lại đều làm nản lòng hầu hết giáo viên. Các em thường "nhìn mặt đặt tên" giáo viên để quậy. Vóc dáng tôi nhỏ bé lại mới về trường, các em cứ đinh ninh là giáo viên hợp đồng hoặc mới ra trường nên ra sức quậy.
Trong số đó, tôi có một nam sinh tên Quý, dẫn đầu trò nói chuyện riêng, nói leo, chạy lung tung. Sau nhiều lần nhắc nhở Quý khong có kết quả, tôi yêu cần em ngửa bàn tay và khẽ 2 roi. Lớp học tạm yên để tôi tiếp tục bài dạy.
Nhưng rồi tiếng xầm xì và ánh mắt của các em hướng về phía Quý đang ngồi làm tôi chú ý. Một em bảo tay Quý đang chảy máu khiến tôi giật mình. Thì ra cây thước kẻ đánh vào tay em bị lệch nên cạnh thước làm tay em xước một đường, máu ứa ra.
Hôm ấy tiết 5 buổi chiều, nhân viên y tế đã về. Tôi đưa Quý sang phòng Đội nhờ đồng nghiệp dặm bông, rửa cồn. Tôi lo lắng dò hỏi nên làm thế nào trước tình huống này thì nhận được lời khuyên cuối buổi nên đưa Quý về nhà và gặp phụ huynh nói rõ mọi chuyện.
Khoảng thời gian còn lại của tiết học trôi qua thật nặng nề. Tôi lo không biết lành dữ thế nào. Nhà em cách trường chỉ khoảng 200 m, khang trang, sạch sẽ. Tiếp tôi là mẹ em, chị sẽ là "quan tòa" phân xử, định tội tôi.
Tôi trình bày đúng sự thật, Quý quá quậy trong giờ học, tôi phải khẽ roi, không may tay em bị vết xước và tôi thành thật xin lỗi. Tôi vừa nói vừa quan sát nét mặt mẹ em và bớt lo khi sắc mặt chị ấy không chuyển biến xấu.
Chị nhìn tay con rồi nói với tôi rằng chị biết Quý nghịch ngợm, nhiều lúc bố mẹ nói còn không nghe, phải dùng đến roi. Chị nhờ tôi dạy cháu cứng rắn, nghiêm khắc hơn rồi đưa cho tôi số điện thoại để nếu Quý còn không nghe lời thì gọi chị.
Chúng tôi đã trò chuyện cởi mở hơn rất nhiều. Những ngày lên lớp sau đó của tôi dễ dàng và thoải mái hơn. Bởi tôi đã có số điện thoại mẹ Quý, đã "nắm thóp" được cậu học sinh nghịch nhất lớp.Thế nhưng cũng từ đó tôi luôn tự nhủ lòng vết xước ở tay cậu học sinh ấy sẽ là bài học lớn cho tôi, giúp tôi bình tĩnh, kiềm chế trong mọi tình huống sư phạm.
Qua câu chuyện của mình, tôi muốn nhắn nhủ các đồng nghiệp hãy bình tĩnh, cân nhắc lựa chọn hình thức giáo dục, kỷ luật tích cực đối với học sinh để tránh làm tổn thương các em và gây bức xúc trong dư luận. Và hơn tất cả, tôi mong phụ huynh và xã hội hãy thấu hiểu những áp lực của người thầy trên bục giảng để tìm tiếng nói chung trong cách giáo dục trẻ hiện nay. Sự đồng hành của phụ huynh sẽ là một động lực để chúng tôi vững tâm, vững bước trên con đường "trồng người" lắm gian nan.
Bình luận (0)