xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Tôn sư trọng đạo" lung lay, đâu là nguyên nhân?

Đỗ Tấn Ngọc

Trước đây, thầy cô giáo được xã hội quý trọng, hiếm có chuyện học sinh vô lễ, hành hung; phụ huynh xúc phạm, chửi bới… Thế nhưng gần đây, những giá trị văn hóa truyền thống bắt đầu lung lay

Tuần qua, dư luận cả nước bức xúc, phẫn nộ trước sự việc một giáo viên (GV) tiểu học ở Long An bị phụ huynh (PH) ép quỳ đến 40 phút để xin lỗi họ, chỉ vì cô giáo phạt học sinh (HS) chưa ngoan quỳ. Gần 30 năm theo ngành, đọc thông tin này, tôi thật sự sốc và xót xa. Vì đâu nên nỗi?

Xã hội phức tạp, phụ huynh nuông chiều con

Trước hết, về môi trường xã hội, nếu ngày trước ít có tác động xấu đến con trẻ thì nay lại diễn biến phức tạp; cái ác, cái xấu nảy sinh ngày càng nhiều, những tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đạo đức thanh thiếu niên, HS. Ai cũng thừa nhận bây giờ làm công tác giáo dục đạo đức HS ở trường học phức tạp, thách thức, khó khăn hơn trước nhiều do HS dễ dàng tiếp thu những "tấm gương" xấu, những lệch lạc, tiêu cực… thông qua mạng xã hội. Các cơ quan quản lý văn hóa vẫn loay hoay, chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý căn cơ, hiệu quả.

Tôn sư trọng đạo lung lay, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), nơi xảy ra vụ việc cô giáo N. bị phụ huynh ép quỳ Ảnh: MINH SƠN

Trong khi đó, trách nhiệm giáo dục con cái của gia đình đang là khâu yếu. PH mải mê làm việc, kiếm tiền, ít có thời gian chăm sóc, quan tâm tìm hiểu những diễn biến tâm lý, những thay đổi phức tạp của con. Nhiều gia đình khoán trắng mọi chuyện cho nhà trường. Bên cạnh đó, thời nay, sinh con ít nên nhiều PH thương và chiều chuộng con quá mức, con muốn gì được nấy, một mực bênh vực con bất kể đúng sai khiến một số HS làm loạn xã hội, làm khổ nhà trường, thiếu đi sự lễ phép, tôn kính thầy cô giáo.

Ngành giáo dục còn nhiều bất cập

Có một sự thật đáng buồn là năng lực, bản lĩnh, cái tâm của một số GV đối với nghề nghiệp, HS và PH đang có những "vấn đề" đáng quan ngại. Do một thời gian dài ngành giáo dục bị khủng hoảng thiếu GV nên phải đào tạo ồ ạt, điều kiện, chất lượng đầu vào thấp. Thế nhưng, thời gian đào tạo và quá trình bồi dưỡng sau khi đi dạy, năng lực, trình độ chuyên môn, phương pháp dạy học cũng chẳng tiến bộ mấy. Số GV non yếu, hạn chế về kiến thức lẫn phương pháp giáo dục không hề ít, khiến PH, HS xem thường, ít nể trọng. Đáng buồn hơn, một số thầy cô không giữ được phẩm chất, đạo đức, làm những việc tiêu cực, sai trái: ép HS học thêm, xúc phạm, bạo lực, sàm sỡ, chạy điểm, chạy trường…

Về quy định, chế tài xử lý của nhà trường, xã hội chưa đủ mạnh. Trường hợp HS vi phạm có hệ thống, HS cá biệt có hành vi đe dọa, xúc phạm, hành hung thầy cô giáo trong quy định ở điều lệ trường phổ thông còn chung chung, chưa cụ thể, rất khó vận dụng vào thực tế. Văn bản xử lý, giáo dục HS vi phạm ra đời cách đây 28 năm đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình mới nhưng đến nay vẫn không có thay đổi, điều chỉnh. Hơn nữa, cách giáo dục, đánh giá, xử lý HS của nhà trường, GV nổi lên khuynh hướng nhẹ nhàng, du di, tùy tiện, thiếu đi tính răn đe, làm gương. Vì sợ HS mình bị thua thiệt, vì sính thành tích, vì có những mối quan hệ… Công tác kiểm tra, xử lý các sai phạm của GV, lãnh đạo nhà trường của cấp trên chưa đến nơi đến chốn, có biểu hiện "giơ cao đánh khẽ", thậm chí phớt lờ, bao che… khiến xã hội, PH càng thêm hoang mang, khó nhận diện được đâu là những trường chất lượng, đâu là những GV chuẩn mực, nghiêm túc thật sự…

Cuối cùng, chế độ lương bổng dành cho đội ngũ GV hiện nay còn quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Những chính sách ưu đãi của nhà nước đang áp dụng như sinh viên các trường sư phạm được miễn học phí, GV được tính chế độ thâm niên công tác từ năm thứ 5 trở đi cộng với phụ cấp đứng lớp từ 30% đến 70% (tùy theo khu vực) còn kém xa nhiều lĩnh vực đặc thù khác trong khi tính chất công việc lại chịu quá nhiều áp lực, sức ép.

Theo kết quả khảo sát của TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, hiện GV đang chịu quá nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến động lực làm việc của họ: 86,6% GV cho rằng công việc sổ sách, giấy tờ quá nhiều; 78% GV cho rằng yếu tố thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống; 66,3% nói việc chưa có chính sách khuyến khích đối với GV tâm huyết, có năng lực...

Tóm lại, muốn lấy lại được hình ảnh, vị trí đẹp, đáng quý của người thầy giáo hôm nay trong bối cảnh xã hội đã có nhiều đổi thay là điều không dễ dàng. Nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ môi trường xã hội, nhận thức của PH, HS đến chất lượng đội ngũ nhà giáo, chế độ đãi ngộ của nhà nước. Trong đó, yếu tố chất lượng của nhà giáo có tính chất quyết định nhất. Mong mỏi có nhiều HS (và xã hội) nể, trọng mình, trước tiên từng chủ thể nhà giáo phải sáng lên chữ tâm - tài thật sự, luôn tâm huyết, trách nhiệm hết mình với sự nghiệp "trồng người". 

Phải thấy sai và đến xin lỗi

Không phải bỗng dưng mà từ xa xưa đã có cái tên "nghề gõ đầu trẻ". Việc HS bị thầy cô dùng những biện pháp răn đe nhẹ nhàng cũng là điều bình thường trong nghề nghiệp. Tuyệt đại đa số biện pháp mà GV áp dụng với HS đều hướng đến mục đích tốt đẹp trồng người. Để xảy ra vụ việc trên là rất đáng tiếc, đáng tiếc hơn lại ở trong trường, nơi có ban giám hiệu, tổ chức đoàn thể và tập thể giáo viên. Chắc chắn cô N. phải có can đảm lắm mới vượt qua được cú sốc ấy. Sự việc đến lúc này đã đi quá xa, cách giải quyết tốt nhất bây giờ là PH phải thấy cái sai của mình và đến xin lỗi cô N. Tôi tin cô N. sẽ sẵn sàng bỏ qua.

LÊ VĂN CẢI

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo