Ngày 9-11, Đoàn giám sát của HĐND TP HCM đã làm việc với UBND TP liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của người dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, số lượng cấp GCN liên quan đến nhà, đất của TP rất lớn. Nếu kể cả cấp giấy hộ cá thể, cấp lần đầu, chuyển nhượng thì một tháng trung bình Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường ký 50.000 trường hợp. "Đây là con số rất lớn" - ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Đối với việc còn hơn 17.000 trường hợp đến nay vẫn chưa được cấp GCN lần đầu, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng có nhiều nguyên nhân. Một là, trách nhiệm của Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Hai là, có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, sai không dám sửa. Ba là, nghiệp vụ không đảm bảo yêu cầu.
"Hiện TP có khoảng 1.200 cán bộ công tác ở lĩnh vực trên nhưng công chức chỉ chiếm 50%, còn lại là ký hợp đồng. Mà ký hợp đồng thì trách nhiệm cũng theo hợp đồng. Có trường hợp sẵn sàng làm sai để có lợi ích nhưng cùng lắm thì cũng chỉ bị sa thải, chứ chưa có trường hợp nào khởi tố. Việc này phải xem xét lại" - ông Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo.
Ông Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận thủ tục, quy định, chỉ đạo của UBND TP gần như đầy đủ, không thiếu. Quy định pháp luật cũng giống nhau nhưng lại có tình trạng nơi làm được, nơi không. "Vấn đề này liên quan đến trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo từng đơn vị, trong đó có Văn phòng Đăng ký đất đai TP, UBND quận - huyện, chủ tịch, phó chủ tịch, các sở - ngành và kể cả UBND TP" - ông Trần Vĩnh Tuyến chỉ rõ và yêu cầu các quận- huyện phải xem xét cụ thể chứ không thể cứ bàn mãi vấn đề cơ chế, thủ tục, quy định.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các quận huyện sớm xử lý hơn 17.000 hồ sơ chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu (Ảnh: Phan Anh)
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu từ nay đến 30-11, tất cả 24 quận- huyện phối hợp với các đơn vị báo cáo cho UBND TP từng trường hợp một trong hơn 17.000 trường hợp chưa được cấp GCN. Trong đó, phải nêu rõ lý do chưa cấp, trường hợp nào thuộc thẩm quyền UBND TP thì báo cáo, đề xuất. Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: "Nếu báo thiếu 1 trường hợp thì phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. Còn trường hợp nào thuộc thẩm quyền UBND TP, đã báo cáo rồi mà tôi không giải quyết, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước UBND TP".
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu từ đây đến ngày 31-12, chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận- huyện phải tiếp tất cả những trường hợp trên. "Được hay không được cũng phải báo cho người dân rõ. Cái sai của người dân thì dân chịu; cái nào của quận thì quận giải quyết, vượt thẩm quyền thì TP giải quyết. Nguyên tắc phải rõ ràng trách nhiệm, rõ địa chỉ, rõ pháp lý, của ai người đó chịu chứ giờ không nói chung chung nữa" - ông Trần Vĩnh Tuyến lưu ý.
Ông cũng nói thêm, đến đầu 2019, UBND TP sẽ đi kiểm tra 24 quận- huyện về nội dung đầu việc này. "Nếu có trường hợp giải quyết sai, tôi sẽ đề xuất chủ tịch quận- huyện "lên đường". Chúng ta đã ở vị trí này rồi thì không có chuyện sợ nữa, nếu sợ thì nên thôi để người khác làm. Tâm mình công bằng, khách quan thì không việc gì phải sợ. Nếu mình có lỡ sai thì sửa, chứ không thể để người dân bức xúc mãi. Tôi không muốn hôm nay HĐND TP giám sát, UBND TP chỉ ghi nhận, tiếp thu rồi lại tiếp tục giám sát, phản ánh trách nhiệm cán bộ công chức mình là không nên" - ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Bình luận (0)