Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể, trong đó đến năm 2025, TP HCM là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt…
Hiểu đúng về khởi nghiệp
Vài năm nay, phong trào khởi nghiệp ở TP HCM và cả nước phát triển mạnh mẽ, thậm chí bùng nổ. Có điều, dường như không ít bạn trẻ đang nhầm lẫn khởi nghiệp và lập nghiệp. Khởi nghiệp không đơn thuần chỉ là tìm một công việc để kiếm tiền, kiểu như tốt nghiệp chưa có việc làm, mở quán cà phê, quán trà sữa, cửa hàng bán đồ ăn… là thành khởi nghiệp.
Khởi nghiệp đúng nghĩa là những bạn trẻ, doanh nghiệp (DN) tìm ra ý tưởng mới, độc đáo, có đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ…, từ đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ có tính lan tỏa, tác động, có thể đóng góp cho bản thân, DN, gia đình, xã hội và vươn ra khỏi ranh giới quốc gia, thậm chí làm những việc mà cả thế giới chưa có ai làm. Khởi nghiệp cũng không đơn thuần bắt đầu bằng việc lên mạng, tìm nhập hàng Trung Quốc về đăng bán online hưởng chênh lệch giá. Ngay cả khi sản phẩm chưa có nhiều yếu tố công nghệ, DN khởi nghiệp vẫn là DN áp dụng công nghệ để đạt được mục tiêu, tham vọng tăng trưởng kinh doanh.
Để xây dựng TP HCM trở thành trung tâm, cái nôi của khởi nghiệp, đầu tiên phải định hướng rõ khởi nghiệp theo đúng ý nghĩa vốn có của nó. TP có thể đặt ra chủ đề nào đó đang là thế mạnh hoặc đang cần cải thiện - tức là có nhu cầu kêu gọi sức trẻ, sự sáng tạo, đổi mới của bạn trẻ, DN khởi nghiệp trong xu hướng bùng nổ của công nghệ. TP có thể dùng vốn ngân sách xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo; trung tâm khởi nghiệp với vai trò "bà đỡ" cho các dự án khởi nghiệp, cho những ý tưởng; thậm chí đặt hàng các ý tưởng cho những vấn đề cấp thiết của TP phải giải quyết, từ giao thông đô thị, hạ tầng như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm khí thải… cho đến chính quyền điện tử, TP công nghệ xanh...
Những trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của TP có thể lập các nhóm cố vấn bao gồm các chuyên gia, dẫn dắt để biến ý tưởng sáng tạo, độc đáo thành sản phẩm, dịch vụ rồi từ đó hỗ trợ về nguồn vốn, tư vấn, đầu tư hay đơn giản là tạo ra sân chơi cho bạn trẻ, DN khởi nghiệp có cơ hội thể hiện, trổ tài.
Ngay trong đại dịch Covid-19, vẫn có rất nhiều ý tưởng được ra đời, các bạn trẻ, DN khởi nghiệp vẫn có "đất" trổ tài như việc làm tấm che bên cạnh khẩu trang để ngăn tia giọt bắn; rồi gắn thêm đèn pin nhỏ trên tấm che mặt này để các bác sĩ có thể khám chữa bệnh… Những ý tưởng, dù ban đầu có vẻ đơn giản, nếu biết tận dụng, sàng lọc, chắt chiu sẽ tạo ra rất nhiều điều có ích, tạo ra tiền. Hay ứng dụng Bluezone ra đời để ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại thông minh với nhau, một công cụ góp phần truy vết giúp chúng ta khống chế khá thành công sự lây lan của dịch.
Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP HCM vừa được khởi công xây dựng vào tháng 10-2020 Ảnh: Ý Linh
Làm cầu nối cho DN khởi nghiệp
Ý tưởng từ người trẻ, DN trẻ không thiếu nhưng để biến thành hiện thực, sản phẩm áp dụng vào thực tế cần sự hỗ trợ của nhà nước, cơ quan quản lý và cả những DN đi trước, những "sếu đầu đàn", hay "đại bàng"…
Từ ý tưởng đến hiện thực, đưa ra sản phẩm cụ thể và ứng dụng ra thị trường một cách hiệu quả, cần rất nhiều nỗ lực của DN, trong đó có cả vai trò của cơ quan quản lý. TP HCM thời gian qua đã là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước. Trong vai trò của một trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, TP có thể đứng ra làm cầu nối để giúp kết nối; làm việc với những nhóm chuyên gia và mời họ thẩm định, tư vấn, hỗ trợ cho ý tưởng khởi nghiệp của bạn trẻ, DN trẻ… Giải pháp này về lâu dài có thể giúp TP giải quyết những vấn đề của hiện tại.
Đơn cử, nếu TP HCM trở thành trung tâm của khởi nghiệp, đặt vai trò của các DN khởi nghiệp, của những ý tưởng tốt đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào việc giải quyết bài toán cấp bách từ ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… sẽ thu thập được những ý tưởng. Khi TP coi việc quy hoạch sáng tạo khởi nghiệp là quan trọng thì trong tương lai sẽ có nhiều sự lựa chọn về giải pháp để ứng phó.
Bên cạnh đó, khi được đánh giá đúng tầm, các bạn trẻ có nhiều ý tưởng khởi nghiệp cũng sẽ chọn TP làm nơi "đất lành chim đậu", đơn giản như việc muốn có nhiều cơ hội thì phải đến TP. Chính quyền TP cũng cần định hướng, có trách nhiệm xây dựng thương hiệu khởi nghiệp cho TP, để những DN, bạn trẻ có sáng kiến, có ý tưởng tốt sẽ đến đây - cái nôi thu hút, nuôi dưỡng nhân tài. Thậm chí, TP có thể lập ra hội đồng thẩm định các ý tưởng sáng tạo, dành ngân sách ban đầu nhằm đầu tư cho ý tưởng như việc ươm mầm, khởi tạo, nuôi dưỡng; tiếp sau đó mới hỗ trợ, nâng đỡ và cả vai trò kết nối để những "sếu đầu đàn", "đại bàng" cùng tham gia giúp sức. TP có thể kêu gọi những DN lớn dẫn đầu khuyến khích họ tham gia đầu tư cho những ý tưởng lâu dài, đồng hành với bạn trẻ, DN trẻ khởi nghiệp.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)