Giao thông tại TP HCM nói riêng và các đô thị lớn của Việt Nam nói chung là mô hình giao thông hỗn hợp giữa các loại phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng. Trong đó, khoảng 79% người dân sử dụng xe máy để đi lại (theo kết quả khảo sát của tổ chức Dalia Research tính đến tháng 2-2017). Cũng vì vậy, giao thông tại các đô thị lớn như TP HCM đang đối mặt với 2 vấn đề lớn: kẹt xe và ô nhiễm môi trường.
Xây dựng hệ thống trạm trung chuyển GTCC
Với đặc điểm quy hoạch đô thị hiện nay của TP HCM, xe máy luôn là sự lựa chọn số 1 trong các phương tiện giao thông vì tính thuận tiện, đặc biệt đối với khu đô thị hiện hữu với nhiều hẻm nhỏ và diện tích đường giao thông còn khá khiêm tốn.
Muốn phát triển giao thông công cộng (GTCC), hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, cần điều chỉnh quy hoạch đô thị. Hiện nay, phương tiện GTCC tại TP HCM, cụ thể là xe buýt, chưa thể là sự lựa chọn hàng đầu vì sự bất tiện. Thực tế, hơn 80% người dân sinh sống trong các con hẻm nhỏ thuộc các khu dân cư hiện hữu, nơi xe buýt không thể tiếp cận.
TP đang thiếu hệ thống trạm trung chuyển GTCC để phát triển GTCC. Trạm trung chuyển GTCC là nơi trung chuyển từ phương tiện giao thông cá nhân của người dân sang phương tiện GTCC và ngược lại. Muốn vậy, cần tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị toàn TP (đặc biệt các khu trung tâm TP và các quận nội thành hiện hữu), để bố trí hệ thống trạm trung chuyển GTCC.
Phối cảnh trạm trung chuyển giao thông công cộng của TP HCM
Trạm trung chuyển GTCC là công trình có chức năng phức hợp. Cụ thể: Lựa chọn các khu đất cần tiếp giáp tuyến đường có lộ giới hiện hữu khá lớn (≥ 16 m), thuận lợi để xe buýt có khả năng tiếp cận. Khoảng cách công trình khoảng 2 km để dễ dàng cho người dân từ các hẻm nhỏ, trong các khu dân cư, tiếp cận bằng việc đi bộ hoặc sử dụng xe đạp, xe máy. Công trình có chức năng chính là nơi giữ xe cá nhân của người dân sử dụng xe buýt và cho thuê xe đạp để hành khách sử dụng xe buýt có thể di chuyển vào các khu dân cư cách xa trạm xe buýt. Khuyến khích bố trí nhà đậu xe nhiều tầng chìm hoặc nổi, bảo đảm đủ nhu cầu đậu xe của công trình và hỗ trợ một phần nhu cầu đậu xe của khu vực, giúp tăng diện tích giao thông tĩnh khu vực (đề xuất không tính hệ số sử dụng đất bãi đậu xe vào hệ số sử dụng đất của công trình).
Công trình còn có các chức năng phụ là phục vụ một phần nhu cầu mua sắm - kinh doanh của người dân trong khu vực và hành khách đi - đến trạm trung chuyển phương tiện GTCC; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để thu hút chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án. Lưu ý, cần bố trí một khu vực các gian hàng cho các hộ dân có vị trí nhà mặt tiền đường bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất để thực hiện dự án được sử dụng để kinh doanh.
Ngoài ra, công trình còn phục vụ một phần nhỏ nhu cầu thuê văn phòng làm việc của các công ty trong khu vực xung quanh; phục vụ nhu cầu nhà ở gồm 2 nhóm căn hộ: nhóm căn hộ tái định cư tại chỗ và nhóm các căn hộ để kinh doanh.
Cuối cùng, công trình phải được bố trí công viên, vườn hoa, đường đi bộ, hồ bơi (nếu có thể). Đây là chức năng giúp gia tăng chất lượng môi trường sống của người dân trong và ngoài khu vực dự án.
Kế hoạch thực hiện dự án
Sau khi được chấp thuận chủ trương từ các cấp thẩm quyền, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ phối hợp với các quận, huyện tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỉ lệ 1/2000 các đồ án có liên quan làm cơ sở để triển khai các bước thủ tục tiếp theo của dự án.
Với việc đền bù và giải phóng mặt bằng, ban đền bù giải phóng mặt bằng của các quận, huyện kết hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất của TP cần chủ trì phối hợp cùng với các ban ngành, đoàn thể thực hiện trên tinh thần ưu tiên phương án tái định cư tại chỗ trong khu vực dự án để dễ tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của các hộ dân có nhà đất bị ảnh hưởng. Nguồn vốn để thực hiện trong giai đoạn này do ngân sách TP (tạm ứng), vốn ODA, các ngân hàng, các quỹ đầu tư hoặc các nhà đầu tư thiện chí (tạm ứng) chi trả và được tính toán lãi suất phù hợp. Sau khi có mặt bằng trống, các nhà đầu tư sẽ tiến hành đấu giá để trở thành chủ đầu tư chính thức của dự án.
Nguồn vốn dự kiến để triển khai thực hiện dự án chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa kết hợp vốn vay của Ngân hàng Nhà nước, với lãi suất ưu đãi tương tự đối với việc thực hiện các công trình công cộng, phục vụ lợi ích cộng đồng.
Các công trình phức hợp thuộc dự án phát triển hệ thống trạm trung chuyển phương tiện GTCC cần được tiến hành sớm, đồng bộ, hàng loạt trên toàn TP và cần được xem là dự án trọng điểm của TP. Công trình phức hợp đậu xe cần được nghiên cứu 2 - 3 mẫu với quy mô tương ứng với từng vị trí khu vực đô thị, mật độ dân cư, mật độ đường giao thông hiện hữu và giao thông quy hoạch...
Để giúp dự án thành công, rất cần sự quyết tâm và niềm tin của các cấp chính quyền, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, các nhà đầu tư và các đơn vị tham gia phát triển dự án.
Song song đó, TP cũng cần nghiên cứu, thực hiện được các giải pháp để mở đường, mở hẻm theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt đáp ứng nhu cầu chính đáng về việc đi lại của người dân, góp phần giải quyết tình trạng quy hoạch treo kéo dài đối với hạng mục đường giao thông.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)