Dự án buýt nhanh của Hà Nội trị giá hơn 1.200 tỉ đồng, triển khai gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa có phương án hoạt động, dư luận băn khoăn liệu xe buýt nhanh trên tuyến Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ (TP HCM) có giẫm vào “vết xe đổ”?
Đã nghiên cứu kỹ
Ông Lương Xuân Phúc, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông- đô thị (UCCI), khẳng định dự án xe buýt nhanh là bước tiến quan trọng trong định hướng ưu tiên phát triển giao thông công cộng TP. “Hiện toàn TP mới chỉ có 300 xe buýt các loại, 12.500 taxi trong khi đó dân số TP đã lên đến gần 10 triệu người, tức chỉ mới phục vụ được 6% nhu cầu đi lại của người dân, 94 % còn lại lưu thông bằng phương tiện cá nhân dẫn đến việc ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc xây dựng tuyến xe buýt nhanh sẽ góp phần tái cấu trúc lại mạng lưới tuyến xe buýt TP, kết hợp với các tuyến tàu điện ngầm hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của TP”- ông Phúc nói.
Về tính khả thi của dự án, ông Phúc cho rằng cùng với 8 tuyến tàu điện ngầm, 6 tuyến xe buýt nhanh trong tương lai (tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ là tuyến số 1) và việc tăng lượng xe buýt hiện hữu lên gấp đôi sẽ nâng khả năng phục vụ người dân lên 30% vào năm 2030. Tuyến xe buýt cũng sẽ tạo chuyển biến giao thông và dịch vụ, tạo tiền đề cho việc hình thành một hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn TP trong tương lai, nâng cao giá trị sử dụng đất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trước những lo lắng của dư luận về dự án, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, cho rằng tuyến xe buýt nhanh ở TP HCM tương đối khác với Hà Nội vì dân cư trên tuyến Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ đã được quy hoạch, phân bố dọc hai bên tuyến. Trước khi đưa vào duyệt dự án đã được nghiên cứu kỹ.
“Sở cũng đã tính đến việc khi triển khai tuyến xe buýt nhanh phải kết hợp với mạng lưới thương mại, xe buýt, metro mới phát huy được hiệu quả. Hiện dự án đang trong quá trình triển khai, dự kiến trong quý I/2017 sẽ đưa vào khởi công, đến năm 2018 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác”- ông Lâm cho biết.
Phải thận trọng hơn
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về giao thông, cần phải xem xét dự án một cách thận trọng vì hiện nay tuyến đường Võ Văn Kiệt (đoạn đi qua địa bàn quận 1, quận 5, quận 6...) đã có biểu hiện mật độ phương tiện tham gia giao thông đông. Do đó, nếu không nghiên cứu kỹ, sau khi xây dựng xong dự án sẽ không hoạt động được vì đường hẹp. Trước thông tin sẽ giành một làn đường trên tuyến này cho tuyến xe buýt nhanh, chuyên gia này cho rằng rất khó vì ngay từ khi quy hoạch tuyến đường Võ Văn Kiệt đã không tính đến. Hơn nữa, quỹ đường giao thông ở TP hiện nay khá hạn hẹp, nếu tuyến xe buýt nhanh nào hình thành cũng phải có một làn đường để chạy ưu tiên thì rất khó khả thi.
Còn theo TS- chuyên gia giao thông Phạm Sanh, xe buýt nhanh mà TP HCM đang xây dựng là một hình thức xe buýt chất lượng cao với công nghệ mới đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Nếu được thực hiện đúng kế hoạch mà đề án đề ra, sau khi đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm an toàn cho người dân trong quá trình lưu thông. Tuy vậy, việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh đòi hỏi phải có sự liên kết với hệ thống xe buýt hiện hữu và các hình thức giao thông khác thì mới phát huy tác dụng.
Dự án xe buýt nhanh được kỳ vọng sẽ giải quyết nạn kẹt xe của TP (ảnh: Gia Minh)
“Chúng ta đang xây dựng tuyến metro số 1, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2018. Trong khi đó tuyến đường Võ Văn Kiệt song song với tuyến này nên việc kết nối giữa hai tuyến phải tính kỹ để thuận tiện cho hành khách, nếu không hành khách rất có thể sẽ rơi vào trình trạng bị bỏ giữa đường hoặc nếu muốn đi xe buýt nhanh vẫn phải chạy xe máy tới nhà chờ và khi xuống xe, họ sẽ phải tiếp tục tìm cách di chuyển tới địa điểm làm việc, xe buýt nhanh sẽ khó đi vào đời sống. Ngoài ra, do quy hoạch của TP nên hiện nay, hệ thống xe buýt nhanh chỉ hoạt động được ở các tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt..., nếu đưa vào các khu vực trung tâm sẽ dẫn đến kẹt xe và có tác dụng ngược. Dự án này không chỉ nằm ở phương tiện vận chuyển mà là một dự án tổng thể với nhiều hệ thống giao thông khác như giao thông xanh, hệ thống điều hành thông minh, tiên tiến nên nguồn vốn đầu tư sẽ lớn và đòi hỏi sự quản lý, vận hành khoa học”- TS Phạm Sanh nhận định.
137,5 triệu USD cho 23 km
Năm 2015, UBND TP HCM đã nhất trí chi 137,5 triệu USD (trong đó 124 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới, 13,5 triệu USD từ Ngân sách TP) để UCCI xây dựng 23 km xe buýt nhanh trên tuyến Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ. Đây là tuyến số 1 trong số 6 tuyến xe buýt nhanh trong tương lai của TP. Theo quy hoạch, dự án bao gồm 28 xe buýt nhanh sử dụng nhiên liệu sạch, 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ, một ga cuối tuyến, một bãi hậu cần kỹ thuật để phục vụ người dân. Dự án sẽ đi qua địa bàn các quận nằm dọc tuyến Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ (quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh).
Bình luận (0)