Đến nay, nhiều người sống gần căn nhà trên đường Trần Kế Xương (phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi vụ cháy nổ hôm 6-12 đã cướp đi sinh mạng 2 thanh niên, 2 thanh niên khác đang điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Những tai nạn không ngờ
Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Pháp chế điều tra, Xử lý cháy nổ - Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP HCM, cho biết căn phòng phát nổ tại căn nhà nêu trên có diện tích nhỏ, bên trong có xăng. “Có khả năng 4 nạn nhân dùng xăng để lau dọn nhà nên xảy ra tai nạn” - trung tá Hà nhận định.
Những năm gần đây, rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do bất cẩn hoặc rủi ro trong sinh hoạt, nhất là những vụ cháy, nổ do chập điện, sử dụng xăng hay hóa chất… Bệnh viện Chợ Rẫy - một trong những địa chỉ cấp cứu, điều trị cho các trường hợp gặp nạn - mỗi năm tiếp nhận hàng ngàn vụ tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, trong đó có những vụ do sự bất cẩn, các sự cố kỹ thuật, phương tiện thiếu an toàn. Một số trường hợp điển hình như bị máy cắt cỏ, máy xay lúa, xay thịt nghiền nát bàn tay hoặc phỏng khí gas, tia lửa điện khiến nạn nhân bị tàn phế suốt đời hay túi rác chứa bình xịt muỗi, bình gas hỏng nhưng còn khí gas khi đốt rác gây nổ…
Vụ cháy trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, TP HCM) ngày 4-10 khiến 3 người chết Ảnh: LÊ PHONG
Anh N.V.H (27 tuổi, quê Tây Ninh) vốn là chủ tiệm sửa xe máy rất đông khách. Trong một lần vừa phì phà điếu thuốc vừa lom khom sửa xe, chiếc xe bốc cháy dữ dội, ngã đè lên người anh. Hậu quả, anh H. phải đoạn chi.
Còn bà T.T.T (54 tuổi, quê Gia Lai) mua bình xăng về châm máy cắt cỏ để dọn quanh nhà đón Tết. Cắt cỏ xong, bà đậy nắp bình xăng rồi mang ra sau nhà cất trên chuồng gà. Đến tối, khi ra thăm đàn gà, bà vô tình để cây đèn dầu cạnh bình xăng. Ngọn lửa bùng lên, bà T. bị phỏng chân tay và gần hết khuôn mặt.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng từng điều trị cho ông T.V.T (48 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) do bị máy xay cỏ nghiền nát bàn tay trái. Ông T. là thương binh, nuôi 5 con bò để cải thiện đời sống. Để tiện cho việc chăm sóc bò, ông mua một máy xay cỏ về xay nhuyễn cỏ cho bò ăn. Sau khi xay và rút điện, ông đưa tay vào máng vét số cỏ thừa nhưng do máy còn quay nên đã cuốn bàn tay trái ông vào trong và cán nát.
Nỗi lo nhà “hai trong một”
Theo đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP xảy ra hơn 1.880 vụ cháy nổ, trong đó nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Nguyên nhân xảy ra chủ yếu là do sự cố các hệ thống, thiết bị điện hoặc cơ sở, nhà ở không bảo đảm tiêu chuẩn về PCCC. “Chúng tôi tổ chức kiểm tra trên 22.000 lượt cơ sở và phát hiện gần 50% điểm tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ. Nếu xảy ra sự cố, hiện tượng cháy lan sẽ rất nguy hiểm” - đại tá Bửu lo ngại.
Đại tá Bửu cho biết lo lắng lớn nhất hiện nay là trên các tuyến phố, hẻm nhỏ có rất nhiều nhà thiết kế theo dạng ống và dạng “hai trong một” - vừa là nơi ở vừa là điểm kinh doanh, chỉ có một cửa, lối ra vào kiêm luôn lối thoát hiểm, khi xảy ra sự cố cháy hết sức nguy hiểm. “Khi có cháy nổ, người trong nhà cần bình tĩnh, tìm các phương án thoát nạn, báo động cho những người xung quanh. Nếu chạy ra cửa mà thấy lửa bao trùm thì phải tìm lối khác, như trèo ban công nhảy sang nhà bên cạnh, trổ mái nhà… Tuyệt đối không cố thủ trong nhà tắm, gầm giường mà hãy tìm những vật như giẻ lau, mền thấm nước trùm lên người để tháo chạy” - đại tá Bửu chỉ dẫn.
Các chuyên gia cho rằng việc có được các kỹ năng không những giúp ích cho bản thân khi xảy ra sự cố mà còn cứu sống nhiều người. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là người dân phải có ý thức PCCC để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Đặc biệt, theo Cảnh sát PCCC TP HCM, không được đưa các vật liệu cháy nổ, hóa chất vào khu dân cư bởi chỉ một sơ suất nhỏ sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Cẩn trọng đề phòng, sơ cứu đúng cách
Theo các bác sĩ Khoa Phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, trong sinh hoạt, người dân cần lưu ý không nên sửa chữa vật dụng dễ bị phóng điện dưới đường điện cao thế hoặc khi trời chuyển mưa. Đặc biệt cẩn thận với xăng, dầu hoặc khí dễ cháy vì có trường hợp người dân chứa xăng trong các bình nước rất dễ lẫn lộn và gây họa. Khi bị nạn, cần sơ cứu đúng cách và chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện, tránh sử dụng các bài thuốc dân gian như thoa nước mắm, đắp lá cây… vì sẽ dễ bị nhiễm trùng, hoại tử vết thương.
Bình luận (0)