Báo Người Lao Động vừa nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về một số trạm chờ xe buýt trên nhiều tuyến đường ở TP HCM mất vệ sinh, bị chiếm dụng tràn lan. Trước tình trạng như vậy, nhiều người đành phải bỏ phương tiện giao thông khá tiện lợi này để đi xe máy.
Dơ bẩn, bát nháo
Phóng viên Báo Người Lao Động đã khảo sát một số tuyến đường chính tại TP HCM. Thực tế cho thấy các trạm xe buýt còn nhếch nhác hơn rất nhiều so với những gì bạn đọc đã phản ánh.
Không chỉ mất vệ sinh, nhiều trạm xe buýt còn bị chiếm dụng để buôn bán, đẩy hành khách xuống lòng đường. Hầu hết các trạm chờ trên đường Lý Thường Kiệt (quận 5, TP HCM) đều bị lấy làm nơi bán cà phê vỉa hè. Phía sau trạm xe buýt được căng bạt và che chắn để bày bàn ghế. Hành khách đứng chờ xe nhưng không mua nước thường bị lườm nguýt, thậm chí bị chủ quán đe nẹt.
Còn trạm xe buýt trên đường Võ Thị Sáu, gần giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu (quận 3, TP HCM) thì bị chiếm dụng làm nơi... sửa xe máy. Trạm chờ xe buýt trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 12, quận 10, TP HCM) ban ngày bị chiếm dụng làm nơi bán hàng rong, bến xe ôm và biến thành... quán cơm. Phía sau trạm chờ được trưng dụng làm nơi nấu nướng. Không có chỗ để dừng chân, nhiều hành khách khi đón hoặc xuống bến phải bước ra lòng đường, rất nguy hiểm. Hàng loạt trạm xe buýt khác trên đường Trần Quốc Thảo, Nguyễn Tất Thành... trở thành nơi ngủ ngày của các con nghiện...
Không chỉ các trạm xe buýt nhếch nhác, nhiều trạm thông tin điện tử đặt gần các trạm chờ trên đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Cừ... cũng xuống cấp trầm trọng, không còn sử dụng được.
“Bắt cóc bỏ dĩa”
Trước sự bát nháo của các trạm xe buýt trên địa bàn, ông Phạm Văn Tồn - Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Bình Thạnh - cho biết phường thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp phóng uế bừa bãi ở trạm xe buýt và các khu vực lân cận (?!).
Trước đó, UBND phường 7 đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho lùi các trạm xe buýt vào sát tường của lề đường để không còn khoảng trống cho các đối tượng phóng uế, hút chích. Thế nhưng Sở Giao thông Vận tải có công văn trả lời, cho rằng làm như vậy là không đúng quy định, khoảng trống sau trạm chờ hiện hữu với tường phía trong là 0,8 m thuận tiện cho công tác duy tu, bảo dưỡng. Theo ông Tồn, từ tháng 6-2012 đến tháng 5-2013, phường đã xử phạt 91 trường hợp phóng uế bừa bãi, lập cam kết không tái phạm.
Đối với tình trạng chiếm dụng trạm xe buýt làm nơi buôn bán tại phường 12 (quận 10), đại diện phường này cho biết thường xuyên cử cán bộ phụ trách kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, khi có đoàn kiểm tra thì những người chiếm dụng trạm gom hàng hóa chạy qua bên kia đường thuộc phường 9, quận 3. Đến khi đoàn kiểm tra rút đi thì họ lại tiếp tục quay lại buôn bán. Thêm vào đó, những người lấn chiếm trạm không phải là người địa phương nên chính quyền rất khó xử lý. “Do lực lượng trật tự đô thị quá mỏng nên chỉ có thể “đảo” qua, nhắc nhở chứ không thể túc trực thường xuyên ở một vị trí” - đại diện UBND phường 12 (quận 10) phân trần.
“Chúng tôi sẽ...”! Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, cho biết: Trung tâm đã đưa 54 trạm thông tin vào hoạt động để người dân được tiện lợi khi sử dụng xe buýt. “Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra và sửa chữa các trạm thông tin bị hư hỏng. Còn việc các trạm chờ mất vệ sinh, bị chiếm dụng buôn bán, hút chích..., trung tâm sẽ tăng cường với UBND các phường có đặt trạm chờ để phối hợp xử lý triệt để, bảo đảm an toàn cho hành khách” - ông Phong hứa. |
Bình luận (0)