xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sốt ruột với ngập nước, xe buýt

QUÝ HIỀN - PHAN ANH

Năm 2013, TP HCM xóa 9 điểm ngập nhưng lại phát sinh 12 điểm  Có thể trợ giá xe buýt đến năm 2020, mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng

Tiếp tục kỳ họp thứ 12 HĐND TP HCM khóa VIII, ngày 11-12, các đại biểu (ĐB) đã chất vấn lãnh đạo 2 sở Giao thông Vận tải (GTVT), Khoa học - Công nghệ (KH-CN) và Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm chống ngập). Trong đó, chương trình chống ngập được rất nhiều ĐB quan tâm chất vấn cả 2 buổi làm việc sáng, chiều nhưng không được ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập, trả lời thỏa đáng.

Ngập sâu nhưng giải thích còn cạn

Sau gần 5 năm từ khi được phê duyệt, dự án 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập tại TP HCM) hiện đã tăng vốn từ 11.000 tỉ đồng lên hơn 57.000 tỉ đồng dù các hạng mục chưa triển khai bao nhiêu. ĐB Nguyễn Thị Việt Tú nêu ra thông tin này rồi hỏi: “Việc thay đổi đó có làm Trung tâm chống ngập gặp trở ngại gì không?”.
img
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú: “Việc tăng vốn dự án chống ngập có gây trở ngại gì không?”
 
img
Ông Nguyễn Ngọc Công: “Dự án vốn quá lớn nên có khả năng phải kêu gọi hợp tác bằng hình thức PPP” Ảnh: Tấn Thạnh

Theo ông Công, dự án 1547 đã tăng vốn lên 57.800 tỉ đồng với các hạng mục chính gồm 149 km đê bao dọc sông Sài Gòn, 9 cống ngăn triều lớn để giải quyết triệt để ngập úng do triều cường và mưa cho TP. “Dự án vốn quá lớn nên có khả năng phải kêu gọi hợp tác bằng hình thức PPP (công - tư)” - ông Công cho biết.

Theo ĐB Võ Văn Sen, trong năm 2013, TP HCM đã xóa 9 điểm ngập nhưng lại phát sinh đến 12 điểm. “Số điểm ngập phát sinh nhiều hơn điểm đã xử lý thì có thể nói chương trình xóa ngập trong năm qua không hiệu quả” - ĐB Sen khẳng định.

Nhiều ĐB truy trách nhiệm cơ quan nào để xảy ra vụ vỡ bờ bao tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức mới đây. Ông Công lý giải: Giai đoạn 1960-2007, đỉnh triều ổn định ở mức 1,5 m, đến 2007-2008 xuất hiện 1,55 m nhưng năm nay lên 1,61 m và nhất là tháng 10-2013 đo được 1,68 m. Theo ông, đây là nguyên nhân gây áp lực đẩy nước từ sông Sài Gòn vào làm vỡ bờ bao. Ông Công cũng cho rằng nguyên nhân phát sinh các điểm ngập mới còn do nhiều công trình thi công đã lấp các cửa xả, dẫn dòng không hợp lý.

Trả lời câu hỏi Trung tâm chống ngập có thường xuyên kiểm tra chất lượng xây dựng công trình chống ngập không, ông Công khẳng định: “Đây là một trong 6 chương trình đột phá của TP. Vì thế, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư. Theo Luật Xây dựng cơ bản và nghị định về quản lý xây dựng công trình, chúng tôi kiểm tra đúng đồ án thiết kế hay không; còn về chất lượng công trình thì theo Nghị định 16 và Quyết định 126, chủ đầu tư chịu trách nhiệm…”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, ngắt lời: “Anh nói vậy tôi hồi hộp quá! Quy định nói vậy nhưng tiền mình bỏ ra rất lớn cho một nhiệm vụ rất quan trọng. Nếu phó thác chất lượng công trình hết cho chủ đầu tư, hậu quả như thế nào? Phần ai nấy lo, chất lượng công trình tính sao?”.

Ông Công lại lòng vòng: “Cái này đã quy định rõ trong Luật Xây dựng cơ bản. Chủ đầu tư phải chịu toàn bộ trách nhiệm về chất lượng công trình trước người quyết định đầu tư - UBND TP. Người chủ sở hữu chỉ kiểm tra thi công có đúng với thiết kế để phát huy tác dụng, năng lực  công trình hay không…”. Chủ tịch HĐND TP HCM ngao ngán: “Anh nói vậy chắc tôi cãi không lại. Song, ĐB muốn biết làm cách nào để chất lượng công trình đáng với đồng tiền bát gạo mình bỏ ra”. “Dĩ nhiên là chúng tôi giám sát thường xuyên” - ông Công giãi bày.

Về chuyện các công trình thi công gây ngập thì xử lý thế nào, cả lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM và Trung tâm chống ngập cũng không làm rõ. “Theo Nghị định 88, chúng tôi không có chức năng phạt” - ông Công nói. Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng thì nói về… bảo vệ hành lang sông kênh rạch và cốt xây dựng.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, tuy công tác chống ngập đã có những kết quả tích cực khi điểm ngập do triều cường và mưa đều giảm nhưng người dân mong muốn nhiều hơn. “Phần trả lời chất vấn của Trung tâm chống ngập chưa rõ ràng” - bà nhận xét. Chủ tịch HĐND TP HCM yêu cầu các cơ quan cần quan tâm hơn nữa việc vận động nhân dân bảo vệ môi trường.

Trợ giá xe buýt: Lãng phí

Sáng cùng ngày, phần chất vấn và trả lời chất vấn của ĐB với Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang chiếm gần 2 giờ. Trợ giá cho xe buýt và hiệu quả việc này đến đâu là vấn đề được các ĐB quan tâm chất vấn nhiều.

Cùng với nhiều ĐB khác chất vấn về luồng tuyến xe buýt chưa hợp lý, trùng lắp, cung cách phục vụ của nhân viên còn yếu kém, ĐB Võ Văn Sen băn khoăn: “5 năm qua, TP trợ giá hơn 3.200 tỉ đồng cho xe buýt, riêng năm 2013 là 1.300 tỉ đồng. Như vậy, mỗi năm TP chi 7% ngân sách cho trợ giá xe buýt. Với hiệu quả đem lại hạn chế như hiện nay, việc trợ giá này có quá lãng phí?”.

Theo ông Tất Thành Cang, từ năm 2002 đến nay, hành khách sử dụng xe buýt tăng từ 32 triệu lên 400 triệu lượt người/năm, cho thấy người dân đã có thói quen sử dụng xe buýt. “Nếu hàng triệu người này không đi xe buýt mà đổ ra đường thì với 500.000 xe máy mỗi ngày sẽ gây ách tắc giao thông, ô nhiễm, ước tính thiệt hại kinh tế khoảng 1 tỉ USD/năm” - ông Cang lập luận.

Tuy nhiên, ông Cang cũng thừa nhận: “Đúng là có sự lãng phí về trợ giá”. Theo ông, nguyên nhân là tổ chức luồng tuyến chưa phù hợp. “Nếu cứ đà này, TP sẽ tiếp tục trợ giá cả ngàn tỉ đồng mỗi năm. Về lâu dài, sở có kế hoạch, chiến lược cho việc trợ giá?” - ĐB Sen hỏi tiếp. Ông Cang dự đoán: “Đến năm 2015 và có thể là 2020, chắc chắn chúng ta vẫn cần trợ giá để đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách công cộng”.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Hạnh chất vấn: “TP HCM chỉ giải quyết nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng được 11% mà ngân sách phải trợ giá đến 43%, trong khi các nước trợ giá 50%-60% nhưng đáp ứng đến 80%-90%. Vậy khi nào Sở GTVT mới có thể giải quyết 50% nhu cầu đi lại của người dân?”. Ông Cang chậm rãi: “Việc này đòi hỏi không chỉ đầu tư nhiều cho xe buýt mà cần phải đầu tư đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng”.

Kết lại phần trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở GTVT, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận hiệu quả trợ giá xe buýt chưa cao, ngân sách bỏ ra nhiều nhưng số người sử dụng và chất lượng phục vụ chưa tương xứng. Bà Tâm đề nghị Sở GTVT tiếp thu ý kiến ĐB để sớm khắc phục những hạn chế này trong năm 2014.
Sáng nay, 12-12, kỳ họp HĐND TP HCM sẽ bế mạc. Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân sẽ thay mặt lãnh đạo UBND TP trả lời những vấn đề còn lại mà cử tri và ĐB quan tâm.
Nản lòng nhà khoa học
Trả lời chất vấn của các ĐB liên quan đến số lượng, hiệu quả, tính ứng dụng của các nghiên cứu khoa học thời gian qua, Giám đốc Sở KH-CN TP HCM Phan Minh Tân cho biếtnăm 2011, TP chi cho nghiên cứu khoa học 68 tỉ nhưng chỉ dùng 46,7 tỉ đồng, năm 2012 là 83 tỉ nhưng chỉ xài 44 tỉ đồng, còn năm nay thì tổng mức dự trù là 148 tỉ nhưng hiện chỉ được cấp hơn 60 tỉ đồng.
 
“Thủ tục giải ngân từ kho bạc rất lâu. Cấp vốn cho một đề tài khoa học cần nhiều thủ tục, nhanh nhất là 3 tháng. Mỗi đề tài triển khai thì giám đốc sở phải ký khoảng 100 chữ, mà phải là chữ ký sống thì kho bạc mới giải ngân. Điều này nhiều khi làm nản lòng nhà khoa học” - ông Tân băn khoăn.

Phú Yên: Miễn nhiệm đại biểu HĐND của một giám đốc ngân hàng

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VI, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết miễn nhiệm đại biểu HĐND đối với ông Đào Tấn Nguyên, nguyên Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Phú Yên, vì vi phạm về đạo đức, lối sống; vi phạm quy chế làm việc... (Báo Người Lao Động ngày 21-9 đã đưa tin).

Cần Thơ: Lo hóa chất Trung Quốc

Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp HĐND TP Cần Thơ khóa VIII, nhiều ĐB băn khoăn về việc người dân sử dụng hóa chất Trung Quốc làm chín trái cây. Ông Nguyên Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Khi đi kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật xuất xứ từ Trung Quốc. Có cơ sở không để thuốc tại đại lý, chỉ bán lén”. Ông Toại khẳng định sắp tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động để các cơ sở không bán thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc.

Đà Nẵng: Nhiều dự án chậm triển khai

Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 HĐND TP khóa VIII cho thấy dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế TP năm 2013 vẫn tăng trưởng so với năm trước. Tổng thu ngân sách năm 2013 ước khoảng 10.574 tỉ đồng, đạt 88,5% dự toán. Tại kỳ họp này, cử tri phản ảnh nhiều nơi ở huyện Hòa Vang, người dân chưa được dùng nước sạch; sân golf Hòa Phong - Hòa Phú đã quy hoạch 3-4 năm nay nhưng chưa triển khai, người dân không xây sửa nhà được; bãi xe ngầm quy hoạch ở quận Hải Châu nhiều năm không triển khai.

Quảng Nam: Nóng chuyện xả lũ

Tiếp tục kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII, các ĐB yêu cầu làm rõ việc quy hoạch, xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện. Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, quy trình điều tiết lũ không phù hợp với địa phương. Ông đề nghị điều chỉnh 2 yếu tố cơ bản nhất của quy trình này là điều chỉnh mực nước chết và điều chỉnh theo mùa...

                                H.Ánh - C.Linh - H.Dũng - Tr.Thường


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo