Tuần qua, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, 2 bãi tập kết than đá lớn vẫn tồn tại ở xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Số than đá này được Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty CP Logistics PTS Việt Nam nhập từ Lào.
Nằm ngay nguồn nước
Các khu vực tập kết than đá nằm bên Quốc lộ 15D, do 2 doanh nghiệp trên mua hoặc thuê lại đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất của người dân địa phương. Trong đó, một bãi nằm ngay dòng chảy của suối Khe Xay - nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nấu ăn cho hàng trăm hộ dân; bãi còn lại trong khu dân cư. Đáng nói, cả 2 bãi than này hoạt động khi chưa được cấp phép.
Người dân rất bức xúc với các bãi tập kết này vì họ phải chịu tình cảnh nắng thì bụi mù mịt, mưa thì than đá chảy ra đường hoặc trôi xuống suối Khe Xay gây ô nhiễm nguồn nước. Không những vậy, quá trình phương tiện vào ra trung chuyển, hạ tải than đá còn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Bãi tập kết than đá nằm trong khu dân cư ở xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị khiến người dân bức xúc
Gia đình ông Hồ Văn Thúc - ngụ thôn A Đeng, xã A Ngo - cùng hơn 10 hộ dân khác ở gần bãi tập kết than của Công ty CP Logistics PTS Việt Nam. Ông Thúc cho biết hầu như nhà nào tại đây cũng phải đóng kín cửa suốt ngày để hạn chế bụi than bay vào. Dù vậy, mỗi sáng thức dậy, bụi than vẫn đen kịt dưới nền nhà.
"Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương di dời các bãi tập kết này ra xa khu dân cư, xa nguồn nước sinh hoạt để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Cứ để bãi than lâu ngày như thế này, người dân đổ bệnh mất thôi" - ông Thúc lo ngại.
Ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo, xác nhận 2 bãi hạ tải, tập kết than đá trên chưa được cấp phép hoạt động. Cơ quan chức năng đã yêu cầu các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động bãi tập kết than để hoàn thành hồ sơ cấp phép theo yêu cầu. "Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ phải bảo đảm về vấn đề môi trường và có đầy đủ các thủ tục pháp lý" - ông Huấn nhấn mạnh.
Người dân phản ứng
Không chỉ ở xã A Ngo, tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, người dân cũng bất bình, lo lắng trước bãi tập kết than đá của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn.
Mới đây, Công ty CP Thiên Tân (trụ sở ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành) buộc phải ra thông báo chấm dứt hợp đồng thuê 34.000 m2 đất đối với Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn. Lý do, hoạt động bốc xếp, vận chuyển than của công ty này gây ảnh hưởng môi trường, dẫn đến nhiều hộ dân tụ tập, phản ứng, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Theo lãnh đạo UBND xã Cam Thành, hiện tại, bãi tập kết trên còn khoảng 1.500 tấn than đá. Trước thực trạng này, Công ty CP Thiên Tân đã yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn tháo dỡ, di chuyển tài sản, vận chuyển toàn bộ số than đã tập kết ra khỏi khu vực đất đã thuê, trả lại mặt bằng trong thời hạn 30 ngày tính từ 1-3.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh từng yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc những quy định về an toàn giao thông và bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực sang, hạ tải than đá cũng như nơi lân cận. Doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm túc hướng dẫn của các ngành, địa phương; sau khi đưa bãi tập kết than vào hoạt động cần ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại chỗ, tạo việc làm cho người dân.
Cân nhắc kỹ lưỡng
Theo tìm hiểu, ngoài 2 bãi tập kết tại thôn A Đeng, một doanh nghiệp đang thuê đất của người dân thôn A Rồng Dưới, xã A Ngo để mở bãi giao nhận, sang tải và trung chuyển than đá. Những ngày qua, công nhân đã đưa phương tiện đến san ủi, giải phóng mặt bằng.
Khu vực này rộng khoảng 1 ha, nằm ngay khu dân cư, cạnh một khe suối nên tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nếu cơ quan chức năng không đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động.
"Chúng tôi sẽ phân tích mặt được và những tác hại khi bãi tập kết này đi vào hoạt động cho người dân được rõ. Quan điểm của xã rất rõ ràng - nếu người dân đồng ý thì xã mới đồng ý, còn người dân phản đối thì chúng tôi sẽ có ý kiến, không đồng ý để bãi tập kết, trung chuyển than đá này tồn tại" - ông Hồ Tất Huấn khẳng định.
Bình luận (0)