Đó là đề xuất của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, đưa ra tại Hội nghị chuyên đề "Trí thức, kiều bào góp ý, hiến kế để xây dựng và phát triển TP HCM". Hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức vào ngày 10-3.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình cho biết môi trường sông, rạch của TP HCM có 2 nguồn gây ô nhiễm chính. Đó là do chất thải hữu cơ và do hóa chất từ các khu công nghiệp thải ra.
"TP HCM tốn rất nhiều kinh phí để cải thiện kênh Nhiêu Lộc, kênh Nước Đen và hiện tại là kênh Tham Lương… Những con kênh này ô nhiễm chủ yếu do chất thải hữu cơ. Cần phải có hệ thống thu hồi, xử lý ở các trung tâm xử lý nước thải thì mới có thể cải tạo được. Công tác này thì cần rất nhiều tiền" – ông Bình nói.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Với nguồn ô nhiễm từ hóa chất do các khu công nghiệp thải ra, ông Bình cảnh báo lượng hóa chất này sẽ giết chết vi sinh, tảo ở các con sông, rạch và gây ra ô nhiễm. Nó cũng sẽ tồn lưu rất lâu trong môi trường nếu như không xử lý sớm.
Theo ông Bình, cách giải quyết là buộc các khu công nghiệp phải có khu xử lý nước thải đúng chuẩn ngay trong khu vực của mình. Theo đó, nước thải ra môi trường sau xử lý phải đạt ít nhất là loại B, hoặc loại A. Nếu làm như vậy thì tự khắc giải quyết được tình trạng ô nhiễm sông, rạch của Thành phố mà không tốn quá nhiều kinh phí như xử lý các sông, rạch ô nhiễm do chất thải hữu cơ.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình nói tiếp: "Chỉ cần làm ở đầu nguồn thì tình trạng ô nhiễm ở tất cả khu vực cuối nguồn cũng sẽ giải quyết được. Khi giải quyết được vấn đề ô nhiễm thì môi trường sống của khoảng 10 triệu dân trong thành phố sẽ được cải thiện rất nhiều".
Hội nghị chuyên đề "Trí thức, kiều bào góp ý, hiến kế để xây dựng và phát triển TP HCM"
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, PGS.TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM, cho rằng đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài, trí thức kiều bào là nguồn lực quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Tiến sĩ Dương Hoa Xô cho rằng để kết nối, tập hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước, trí thức, kiều bào nước ngoài cần phải có thủ tục, cơ chế, môi trường làm việc tương xứng. Ông Xô nêu quan điểm đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ đông đảo hiện hữu tại các đơn vị mới cần được chú trọng hơn, thành phố cần tạo điều kiện về môi trường làm việc, mức lương phù hợp và cả những vướng mắc giúp họ an tâm làm việc.
Bên cạnh đó, ông Xô cũng chỉ ra thực trạng chưa tận dụng hết lực lượng chuyên gia trong nước. Theo đó, có rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã nghỉ hưu nhưng còn tâm huyết, còn cống hiến thì cũng cần có chính sách đãi ngộ thu hút riêng.
Bình luận (0)