Ông Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM:
Sự a dua gây hậu quả tai hại
Hiện trạng sẵn sàng dùng vũ lực để ứng xử với nhau có nhiều nguyên nhân nhưng hầu hết những người phạm tội khi được hỏi đều không thể trả lời vì sao thời điểm đó họ dùng vũ lực, vì sao họ lại hung hăng đến vậy.
Qua quá trình xét xử những vụ án, tôi thấy số người thực sự có tính hung hăng không nhiều mà đa số là bị kích động, a dua, đua đòi, làm xảy ra chuyện lớn. Người ta vẫn nói nôm na là lối sống theo “bầy đàn”, a dua theo đám đông. Hễ trong một nhóm có người có cá tính nổi trội, thích dùng vũ lực sẽ lôi kéo, truyền kiểu hành xử vũ lực cho những người còn lại.
Họ quan niệm phải như thế mới đúng “dân chơi”, sống hết mình vì bạn bè. Hai nhóm có mâu thuẫn, chỉ cần một người hô hào: “Đánh chết tụi nó đi!” thì những người còn lại sẽ hô theo, làm theo. Vì đi đánh nhau nên gặp gì họ lấy đó, kẻ chủ mưu đưa hung khí gì là cầm ngay. Một bên có hung khí, nhất định bên kia phải sử dụng hung khí để tấn công lại và án mạng là điều khó tránh khỏi.
Đặc biệt, trong một số trường học, “ngứa mắt” chuyện bạn trai, bạn gái hoặc bênh bạn không đúng cũng dẫn đến đổ máu. Có trường hợp chỉ vì hai bạn gái cùng lớp mâu thuẫn, về “méc” lại bạn trai, nghĩ bạn gái bị hiếp đáp nên những người bạn trai lại nhờ bạn bè và những thành phần ngoài xã hội “giúp đỡ”, tạo thành hai phe dùng mã tấu quyết đấu, dù bản thân họ không có mâu thuẫn gì.
Các bị cáo trong một vụ án giết người - gây rối trật tự công cộng vì mâu thuẫn nhỏ, xét xử tại TAND TPHCM. Ảnh: PHẠM DŨNG
Với một nền tảng giáo dục căn bản sẽ có những công dân tốt, ngược lại có nhược điểm về mặt nào đó sẽ sản sinh những người khiếm khuyết; nếu sống mãi trong môi trường không tốt, hằng ngày bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu, chỉ cần một va chạm nhỏ, người ta sẽ sẵn sàng dùng ngay vũ lực để giải quyết tại chỗ hoặc kêu những người cùng nhóm đến xử lý.
Vậy nên, để giảm bớt thực trạng này trước hết, cần phải xây dựng một nền tảng giáo dục căn bản, môi trường sống trong sạch, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những nhóm có nguy cơ dẫn tới bạo lực. Một điểm phải nhìn nhận là mức sống của chúng ta còn thấp, việc tranh giành quyền lợi, ảnh hưởng vẫn còn.
Nếu chúng ta ứng xử đúng mực, nhường nhịn, nhân ái, nhẹ nhàng và nhất là học và có thói quen nói lời xin lỗi thì mọi chuyện sẽ được hóa giải. Ngược lại, thiếu tôn trọng quyền lợi người khác, tai họa sẽ khó lường.
Ông Trần Minh Sơn, kiểm sát viên VKSND TPHCM:
Phần nhiều do giáo dục mà nên
Những vụ án có xuất phát điểm từ mâu thuẫn nhỏ, sử dụng “dao Thái Lan... gọt trái cây” để tấn công người khác ngày một nhiều. Trước hết, phải nhìn nhận rằng người dân lành không ai lận dao trong người như vậy.
Thiếu giáo dục, thiếu kiềm chế, đụng chuyện dùng vũ lực cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vẫn không thiếu trường hợp vì hiếu thắng (không chịu nổi nếu thua người khác, dù chỉ là một lời nói), vì “anh hùng rơm”, vì nóng nảy... mà người ta phạm tội. Nhưng một điều chắc chắn rằng dùng vũ lực sẽ không giải quyết được gì mà chỉ dẫn đến hậu quả người thì bị pháp luật trừng trị, người còn lại tổn hại sức khỏe, thậm chí mất mạng.
Bác Hồ từng nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nhân cách con người được hình thành từ việc giáo dục đạo đức, lối sống thông qua những hành vi ứng xử hằng ngày. Về phía gia đình, cha mẹ là tấm gương cho con cái. Một khi cha mẹ thương con không đúng cách cũng sẽ dạy con không đúng cách.
Ví dụ, thấy con cái đi chơi ở hàng xóm về khóc, cha mẹ không cần biết lý do, lỗi phải của ai, cứ thế đến mắng chửi con hàng xóm. Từ nhỏ, đã không được phân tích đúng sai, phải trái, lớn lên chắc chắn đứa trẻ sẽ không bao giờ biết nhận ra cái sai của mình, không biết nhường nhịn, luôn cho rằng mình đúng. Ở trường, thầy cô cần phải đối xử công bằng, có trách nhiệm với các học sinh. Một xích mích nhỏ giữa các học sinh, nếu thầy cô không khéo léo và công bằng, có thể dẫn đến việc các em kéo ra ngoài để thanh toán nhau.
Về phía xã hội, trong thời buổi kinh tế thị trường, lợi ích kinh tế được đặt cao hơn tất cả, nhiều người đã sống ích kỷ, chỉ biết mình, không quan tâm đến người xung quanh. Vì thế khi ra ngoài xã hội, họ bàng quan trước mọi việc, miễn sao không đụng đến mình.
Trong phạm vi chức năng của mình, các tổ chức xã hội có trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên lối sống lành mạnh, biết nhường nhịn, làm chủ bản thân, hướng tới chân thiện mỹ. Ở khía cạnh này, báo chí với chức năng thông tin lẫn giáo dục cần nêu nhiều hơn nữa những gương người tốt việc tốt.
Thông tin về những vụ án cần được xem như là một bài học để người ta tránh vết xe đổ, nêu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật đối với tội phạm để người dân dễ tiếp cận và có ý thức chấp hành pháp luật tốt, không nên mô tả quá chi tiết, cụ thể, câu khách những vụ án rùng rợn, mất nhân tính.
Bình luận (0)