Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm có hơn 1.000 trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục và khoảng 3,3 triệu trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực.
Luật không thiếu
Trẻ bị xâm hại dưới nhiều hình thức, như: bóc lột sức lao động, bắt đi ăn xin, bị bạo hành gia đình, bị xâm hại tình dục… Trong khi đó, với một hệ thống các văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành, có thể khẳng định không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, kể cả biện pháp chế tài hình sự lẫn hành chính.
Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Tiếp đó, ngày 12-8-1991, Quốc hội Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đạo luật này là nền tảng quan trọng, cơ sở pháp lý để cho ra đời hàng loạt quy định pháp luật khác để bảo vệ trẻ em.
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 11 ngày 5-4-2016, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Trẻ em với 7 chương, 106 điều (tăng 46 điều). Luật Trẻ em 2016 được xem là đạo luật có nội dung và phạm vi điều chỉnh rộng và đầy đủ hơn, có nhiều điểm đổi mới tích cực, dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Ngoài Luật Trẻ em, Việt Nam còn nhiều đạo luật khác như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và hàng trăm văn bản dưới luật quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Song song đó, nhà nước còn giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em cho 15 tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi trẻ em, từ cấp trung ương đến tận xã - phường, từ cơ quan nhà nước đến đoàn thể, tổ chức xã hội.
Một cháu bé bị mẹ bắt cởi quần áo đứng ngoài đường giữa trời Hà Nội mưa rét. (Ảnh từ clip)
Gom lại một đầu mối
Có một thực tế, nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại nhưng chính quyền không phát hiện kịp thời dẫn đến hậu quả nặng nề, nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại nhưng chậm được xử lý. Thậm chí, có trường hợp gia đình kêu cứu nhưng cơ quan chức năng cho rằng không có hoặc thiếu chứng cứ nên không xử lý dẫn đến phía nạn nhân có hành xử tiêu cực, còn kẻ có hành vi vi phạm thì xem thường pháp luật. Điển hình là vụ một bé gái 13 tuổi ở Cà Mau nghi bị hiếp dâm dẫn đến có thai đã tự tử vì kẻ xâm hại không bị xử lý. Những trường hợp như thế hết sức đau lòng.
Mới đây, trong một cuộc tọa đàm được tổ chức tại Hà Nội, có chuyên gia bảo vệ trẻ em đã phải thốt lên rằng: "Một trẻ em có nhiều cơ quan bảo vệ vậy mà khi bị xâm hại thì không biết kêu ai, tìm đến ai để nhờ giúp đỡ. Xin hãy thôi đau xót chung chung mà hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề".
Do vậy, theo tôi, cần phải gom lại một đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin và có đủ chức năng để can thiệp, ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến trẻ em. Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao là đầu mối quản lý tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em nhưng chỉ mới dừng lại ở chức năng tiếp nhận thông báo, tố giác qua điện thoại, tư vấn, phối hợp, chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tôi cho rằng cần nâng cấp tổng đài này lên như một cơ quan phản ứng nhanh, có đủ thẩm quyền trong việc xử lý, ngăn chặn ngay lập tức các hành vi có dấu hiệu xâm hại trẻ em, như mô hình của Cảnh sát 113.
Song song đó, cần phải tuyên truyền rộng rãi cho người dân và cả trẻ em biết về mô hình này để họ liên hệ khi hữu sự. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xây dựng chương trình phòng chống xâm hại tình dục, bạo hành vào giảng dạy ở các cấp học để trẻ em biết cách xử lý tình huống khi gặp sự cố.
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm can thiệp
Nhận định về việc đã có nhiều chính sách, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng những vụ bạo hành trẻ em khó bị phát hiện hoặc phát hiện chậm trễ, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng một phần do các vụ bạo hành thường được thực hiện bởi chính gia đình hoặc hàng xóm. Ngoài ra, nhiều vụ việc cơ quan có thẩm quyền xử lý không triệt để do tiêu cực, bao che hoặc nhận thức hạn chế nên thực thi không nghiêm, người dân mất lòng tin nên không biết báo cho ai để giải quyết.
Để hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo hành, ông Nguyễn Văn Tính, Phó Phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng cần tuyên truyền rộng rãi, cụ thể về hậu quả các hành vi xâm hại, bạo hành; trang bị kiến thức cho phụ huynh và trẻ em. Đặc biệt, theo Luật Trẻ em, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm can thiệp kịp thời, báo ngay các cơ quan chức năng nếu thấy dấu hiệu trẻ bị bạo hành. TR.HOÀNG
Bình luận (0)