Nhà tôi ở quận 3, theo đúng tuyến nên con tôi được vào học tại một trường tiểu học điểm trong quận. Tôi rất mừng vì cháu học ở gần nhà, lại có môi trường học tập tốt. Nhưng niềm vui của gia đình tôi đã không được trọn vẹn. Ngay buổi họp phụ huynh học sinh (PHHS) đầu năm, cô giáo chủ nhiệm chỉ phổ biến lướt qua chuyện học tập, còn lại gần như nội dung chính của cuộc họp là bầu hội PHHS và vận động đóng quỹ. Có rất nhiều loại quỹ, như quỹ khen thưởng học tập, quỹ thăm hỏi thầy cô dịp lễ, tết thì cũng hợp lý. Nhưng cô chủ nhiệm lại yêu cầu hội PHHS vận động quỹ vệ sinh, quỹ mua trang thiết bị học tập, quỹ mua thiết bị chiếu sáng, quỹ hỗ trợ bán trú v.v... thì vô lý quá. Không những vậy, chúng tôi còn phải đóng quỹ trường riêng, quỹ lớp riêng.
Có thể với những người khá giả thì việc đóng quỹ là chuyện bình thường. Người ta còn có điều kiện ủng hộ nhà trường vài ba triệu đồng, thậm chí hơn thế nữa để sắm sửa cơ sở vật chất. Nhưng số đông PHHS là công nhân viên chức như tôi thì số tiền đóng quỹ đầu năm quả là một gánh nặng, là mối lo. Chúng tôi rất ngại họp PHHS
Trần Thị Út (Q.3- TPHCM)
Đừng làm vẩn đục môi trường giáo dục
Hội PHHS có nhiệm vụ thật trong sáng đầy tính nhân văn, như điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành là “phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, tàn tật. Hoạt động từ “nguồn đóng góp kinh phí của cha mẹ học sinh theo nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác...” (Quyết định số 11/2008/QĐ BGDĐT, ngày 28-3-2008, của bộ trưởng Bộ GD-ĐT). Tuy nhiên, ở không ít nơi, hội PHHS đã làm sai quy định trên. Nhiều nơi, nhiệm vụ chính của hội PHHS chỉ là thu tiền quỹ theo yêu cầu của thầy cô.
Hãy trả lại cho hội PHHS hoạt động đúng chức năng từ nguồn thu đóng góp tự nguyện, để tạo cho môi trường giáo dục bớt đi vẩn đục, người trả đó không ai khác hơn là những người quản lý giáo dục. không thể tồn tại những khoản thu chi không minh bạch trên danh nghĩa tự nguyện trá hình.
Bùi Văn Trường (Giảng viên trường ĐH Kinh tế TPHCM)
Những khoản đóng góp vô lý
Con tôi đang theo học tại một trường tiểu học. Mỗi khi đi họp phụ huynh cho cháu, chúng tôi mong biết con mình học tập thế nào ở trường, nhưng nỗi lo về tiền đóng góp lại trĩu nặng, vì hầu như đó là việc thường kỳ của các lần họp phụ huynh.
Rất nhiều khoản thu kỳ cục, khó hiểu và tất cả đều núp dưới vỏ thỏa thuận với phụ huynh. Xin nêu ra đây một số khoản thu gọi là “tự nguyện” (đều có thư ngỏ gửi tới từng gia đình để vận động): Quỹ trồng cây xanh trong khuôn viên trường, tiền ủng hộ văn nghệ trong các dịp lễ - tết, tiền khuyến học, quỹ hội phụ huynh trường rồi lớp, quỹ lớp, tiền bảo vệ, vệ sinh, tiền ủng hộ ngày thành lập trường...
Con mới học tiểu học mà cha mẹ lo chạy ngược chạy xuôi, muốn con mát thì đóng tiền mua quạt, muốn phòng học sáng sủa thì đóng tiền mua bóng đèn. Vậy ngân sách Nhà nước dành cho ngành giáo dục thì dùng vào mục đích gì?
Đoan Nguyễn (lichkhang591@...)
Tôi quá sợ phải làm hội PHHS
Trong cuộc họp PHHS của lớp con gái tôi đầu năm học này, việc bầu chọn hội PHHS mất quá nhiều thời gian bởi không ai chịu làm. Tôi đã từng làm hội PHHS 2 năm học qua nên tôi thấu hiểu công việc ngán ngẩm này. Năm nào cũng vậy, nhà trường đưa ra đủ thứ tiền quỹ bổ theo đầu học sinh. Quận 8 là một quận nghèo, thu quỹ rất khó khăn. Đa số PHHS có thu nhập thấp làm sao đủ tiền đóng quỹ đầu năm học cho 2-3 đứa con?
Nếu hội PHHS thu không đủ số tiền thì khó nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm và với nhà trường. Nếu muốn làm vừa lòng nhà trường, thì phải dồn ép bắt buộc PHHS đóng tiền quỹ vượt quá khả năng của họ. Qua thực tế công việc tôi thấy không phải bất kỳ hội PHHS nào cũng muốn thu nhiều tiền quỹ để “lấy điểm” với nhà trường. Điều chính yếu là lãnh đạo nhà trường muốn trang bị đủ thứ cho lớp học và các hoạt động khác của nhà trường nên phát sinh quá nhiều thứ quỹ vô lý vượt quá khả năng của PHHS. Tôi không rõ ngân sách chi cho giáo dục để làm gì mà mới đầu năm học lại cứ bổ đầu học sinh để đóng góp. Bởi vậy tôi rất sợ phải làm hội PHHS.
Nguyễn Văn BÉ (Q.8- TPHCM)
Bình luận (0)