Quan sát cái vỉa hè vào buổi sáng bắt đầu một ngày mới để tìm ra nguyên nhân vì sao vỉa hè cứ mãi "tắc", ai cũng dễ dàng nhận thấy, trừ 3 ngày Tết ra, còn lại cứ sáng sớm là vỉa hè ở TP HCM nhộn nhịp hẳn với nền "kinh tế vỉa hè".
Ở khu nhà tôi - đường Thạch Thị Thanh, quận 1, vỉa hè về phía bên trái nhà có ít nhất 3 đến 4 bàn của quán cà phê "cóc". Nhích lên chút nữa là 2 "doanh nghiệp cá thể" bán xôi. Rất đông người dân ở loanh quanh đó, và cũng rất nhiều nhân viên văn phòng (qua cách ăn mặc là biết) trên đường đi làm tấp xe lại mua xôi cho mình, hay cho con (trên đường chở con đi học sau đó đến sở làm luôn). Giờ cao điểm có khi đến 5,6 khách hàng đậu xe ngay dưới lòng đường chờ mua xôi, mua bắp…những lúc như vậy chuyện ùn tắc cục bộ thường xuyên xảy ra. Vỉa hè về phía bên phải nhà tôi cũng cùng chung số phận phải "gánh" rất nhiều xe gắn máy, và cả xe hơi của khách ghé ăn điểm tâm sáng tại mấy tiệm bán món ăn Huế, cơm tấm...ở gần đó.
Điểm tâm buổi sáng bằng thức ăn đường phố là thói quen của nhiều người dân.
Rời khỏi nhà chạy xe lên cơ quan chỉ ghi nhận một đoạn ngắn từ ngã ba Võ Thị Sáu- Phạm Ngọc Thạch (quận 3) cũng sôi động nền kinh tế vỉa hè. Ngay ngã ba trên lề đường Phạm Ngọc Thạch có 1 xe đẩy cà phê, từ đây chạy đến hồ con rùa- chỉ tính phần vỉa hè bên này có gần chục "doanh nghiệp siêu nhỏ" đứng cách nhau chừng 10 đến 20 mét, dọc suốt theo đường Phạm Ngọc Thách, các doanh nghiệp "siêu nhỏ" này kinh doanh ngay sát mép lề đường, nào là xe đẩy cà phê, gánh súp cua, gánh canh bún, xe đẩy xôi, xe đẩy bánh mì thịt, thùng sữa tươi… Thực khách ngày nào cũng vậy vô tư dừng xe mua, có khi 3, 4 xe gắn máy đậu ngay dưới lòng đường chờ mua hàng. Con đường Phạm Ngọc Thạch đã hẹp, buổi sáng xe đông, xe 4 bánh nối đuôi nhau chạy làn đường ngoài; dày đặc xe gắn máy chạy làn đường trong, và thường xuyên "tắc" do "đụng" phải những đoạn khách hàng dừng mua đồ ăn sáng ngay dưới lòng đường.
Phải nói dông dài như vậy vì cũng những con đường này vào buổi trưa và chiều tối, và nhất là sáng chủ nhật thì tình hình lấn chiếm vỉa hè có đỡ hơn. Đặc biệt là những ngày tết thì chẳng có ai bán, cũng chẳng có ai mua nên vỉa hè thông thoáng nhìn thấy "mê".
Vì sao câu chuyện vỉa hè bị lấn chiếm "cứ biết rồi nói mãi" nhưng vẫn rối mù. Sao không đặt ra một góc độ giải quyết căn cơ khác?
Có những dịp đi du lịch ra nước ngoài (các nước như Singapore; Malayisa; Nhật Bản, Hàn Quốc…) tôi thấy hầu như những nước vừa nêu trên người dân không có thói quen ra đường giải quyết chuyện điểm tâm buổi sáng bằng thức ăn đường phố như nước mình. Khi đi tour tôi thường được nghe hướng dẫn viên giới thiệu ở các nước vừa kể trên người dân có thói quen ăn sáng tại nhà, nấu nướng và ăn tại nhà, thậm chí còn mang theo để ăn buổi trưa. Do vậy buổi sáng ở xứ người tìm đỏ mắt cũng không thấy ai bán, ai mua, ai ăn điểm tâm trên vỉa hè, lề đường "tưng bừng" như ở nhà mình.
Các nước trong khu vực tôi thấy còn có một nếp sinh hoạt giống nhau, đó là nhà ở là chủ yếu để ở, chứ không đưa vào kinh doanh, mua bán như ở nước mình (nên vỉa hè rất thông thoáng). Trong khi đó tại TP HCM hầu như tất cả nhà mặt tiền đều được tận dụng kinh doanh mua bán, hoặc làm trụ sở, công ty, văn phòng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vỉa hè bị chiếm dụng vì phải "gánh" lượng người (kèm theo xe gắn máy) khi đến mua sắm, ăn uống, giao dịch.
Lượng xe cá nhân nhiều nên tất yếu phải phát sinh nhu cầu để xe gắn máy trên vỉa hè.
Một khác biệt nữa là tại các nước trong khu vực phương tiện giao thông công cộng khá phát triển, nên người dân đi lại phần lớn bằng phương tiện công cộng, vì vậy lượng xe gắn máy cá nhân rất ít chứ không nhiều "kỷ lục" như ở nước ta (lượng xe cá nhân nhiều nên tất yếu phải phát sinh nhu cầu để xe gắn máy trên vỉa hè).
Hầu như tất cả nhà mặt tiền đều được tận dụng kinh doanh mua bán,
Có lẽ cần phải tái cấu trúc căn cơ cả 1 hệ thống từ công ăn việc làm, giao thông và thói quen sinh hoạt mới hy vọng chấm dứt được câu chuyện "ai lấy mất vỉa hè?". Chuyện tái cấu trúc này biết là khó nhưng nếu quyết tâm thì hoàn toàn có thể thực hiện được - tôi tin vậy!
Bình luận (0)