Từ tố cáo của công nhân, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vào cuộc và ngày càng phát hiện thêm nhiều sai phạm tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Nha Trang. Những người tố cáo cũng đã nhận những đòn trả đũa từ lãnh đạo công ty này.
Nhiều khuất tất kéo dài
Phát hiện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Nha Trang dung túng, tạo điều kiện cho nhà thầu Phạm Thanh Sơn trốn thuế, độc quyền xây mộ với giá “cắt cổ”, năm 2007 các ông Nguyễn Minh Tâm, Hồ Quý Hùng, Nguyễn Ngọc Quỳnh (công nhân đào lấp huyệt mộ) đã đồng loạt tố cáo với cơ quan chức năng.
Năm 2008, Thanh tra TP Nha Trang đã xác minh và kết luận lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Nha Trang đã buông lỏng công tác quản lý hợp đồng xây mộ, cụ thể: Công ty giao cho nhân viên phòng kế hoạch ký hợp đồng xây mộ nhưng không có giấy ủy quyền; nhiều hợp đồng xây mộ do ông Phạm Thanh Sơn làm chủ thầu ký với công ty không ghi tên người chết, giả chữ ký, không ghi số mộ; để nhà thầu xây mộ sai quy định... Đặc biệt, để ông Sơn lấy danh nghĩa của công ty thỏa thuận xây mộ với khách hàng từ 11 triệu - 50 triệu đồng, sau đó lại dùng danh nghĩa của khách hàng ký hợp đồng lại với công ty chỉ với giá 1,4 triệu - 1,8 triệu đồng nhằm trốn thuế.
UBND TP Nha Trang đã chỉ đạo giao cho Chi cục Thuế TP Nha Trang truy thu tiền thuế từ số tiền trên 360 triệu đồng mà ông Sơn không kê khai; yêu cầu chấm dứt hợp đồng nhận thầu xây mộ với ông Sơn; đề nghị kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của ban giám đốc.
Ngoài ra, ông Tô Hoàng Phi, ông Phạm Văn Phước (khi đó là tài xế) cũng tố cáo việc công ty “bật đèn xanh” cho tăng khối lượng rác thực thu trong ngày bằng cách độn thêm đất đá vào các xe chuyên chở. Qua xác minh, Thanh tra TP Nha Trang đã phát hiện công ty đã thanh toán tăng và trùng khối lượng xà bần từ tháng 6-2005 hơn 5,7 triệu đồng, tháng 8 đến tháng 10-2005 hơn 35 triệu đồng.
Chuyển việc, cắt lương...
Điều đáng nói là sau khi đứng ra tố cáo những việc làm sai trái của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Nha Trang, ông Tô Hoàng Phi đã bị sa thải. “Sau khi bị sa thải, tôi đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Lúc đó, giám đốc công ty thông báo cho tôi làm việc trở lại nhưng không bố trí cho tôi công việc cũ (lái xe). Bức xúc vì cách xử lý trên, tôi nghỉ việc” - ông Phi nói.
Còn ông Phạm Văn Phước cho biết: “Sau khi đấu tranh chống tiêu cực, tôi bị lãnh đạo công ty giao cho công việc trái chuyên môn là lập dự toán các mảng hoạt động của công ty. Tôi chỉ là tài xế, làm sao đảm nhận được công việc này. Lấy lý do tôi không hoàn thành nhiệm vụ, lãnh đạo sa thải tôi”. Hiện ông Phước đang khởi kiện công ty vì vụ việc trên. Một số người cùng tố cáo những sai trái của công ty cũng đã bị cho thôi việc.
Các ông Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Ngọc Quỳnh sau đó cũng bị kỷ luật, cắt lương - thưởng. Theo ông Tâm, sau khi tố cáo, ông bị đình chỉ công việc đào lấp huyệt mộ, chuyển sang hốt rác. Năm 2010, ông bị đưa vào danh sách dôi dư lao động trong khi công ty đang nhận rất nhiều người vào làm việc. Sau sự việc này, công nhân tiếp tục có ý kiến lên cơ quan chức năng nên ông Tâm mới được làm việc trở lại.
Theo ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, việc điều động nhân sự là quyền của công ty nhưng có thể thấy rằng có yếu tố cá nhân trong đó. Phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều lần liên lạc với ông Lương Khánh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Nha Trang, để chất vấn về những khiếu nại của công nhân nhưng không được hồi âm. Khi đến trụ sở của công ty thì nhân viên tại đây từ chối tiếp nhận việc đăng ký gặp lãnh đạo.
Công đoàn bảo vệ người lao động
Ông Lê Xuân Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Những việc làm của công ty đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh. Về phía Công đoàn, là đơn vị độc lập, chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị chức năng làm việc với Công đoàn cơ sở một cách toàn diện, bao gồm về hợp đồng lao động, quyền lợi chính đáng của công nhân, những khuất tất của công nhân sau khi tố cáo tiêu cực... để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân”.
Bình luận (0)