Lễ giao nhận quân năm 2019 vừa được tổ chức trên khắp cả nước, hàng vạn thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Trong đó, có nhiều bạn trẻ tình nguyện ra tuyến đầu Tổ quốc - Trường Sa thân yêu.
Bùi ngùi chia xa
Trong lễ giao quân năm nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 1.400 thanh niên lên đường nhập ngũ. Có bạn trẻ nhập ngũ với mong mỏi rèn luyện phấn đấu và trưởng thành. Có bạn trẻ vào quân đội để nối tiếp truyền thống gia đình. Có tân binh khát vọng ra Trường Sa, khoác áo xanh biển khơi. Tất cả đều có chung một lý tưởng, khát vọng bảo vệ Tổ quốc.
Ngày lên đường nhập ngũ vào Vùng 4 - Quân chủng Hải quân, Nguyễn Nhật Anh tròn 18 tuổi. Tạm biệt quê hương Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nhật Anh chia tay mẹ cha trong niềm xúc động. Nước mắt người mẹ đầm đìa vì sắp xa con và tự hào vì con. "Mẹ đừng lo lắng, rồi con sẽ về, nhất định con sẽ hoàn thành nhiệm vụ" - Nhật Anh nói với mẹ. Nắm chặt tay con, bà Nguyễn Hải Thu dặn dò: "Con đi nhớ giữ gìn sức khỏe. Cả nhà sẽ mừng lắm khi con trưởng thành. Trường Sa xa xôi, con rèn luyện và phấn đấu tốt nhé". Phút chia xa giữa chàng trai trẻ và người mẹ khiến nhiều người chứng kiến đều xúc động.
Cũng khát vọng ra Trường Sa canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai vừa tròn 18 tuổi Vũ Xuân Nam (quận Thủ Đức, TP HCM) vòng hai tay ôm chặt mẹ. Nam hứa: "Ba mẹ đừng lo, con đã trưởng thành rồi. Nhất định con sẽ trở thành chiến sĩ Trường Sa kiên cường, dũng cảm".
Biết con trai là người cương trực, chín chắn trong mỗi việc làm, lời nói nhưng bà Lê Thị Hậu, mẹ Nam, vẫn không cầm được nước mắt vì lo cho con lần đầu xa nhà. Xe lăn bánh, bóng cậu con trai xa dần. Bà Hậu vỡ òa xúc động: "Cháu đang học đại học năm thứ ba ngành tài chính - ngân hàng. Cháu tự viết đơn tình nguyện đi Trường Sa. Tôi bảo: "Con đã quyết thì ba mẹ không cản. Trường Sa cũng là nơi để con thỏa chí trai. Con cứ đi, ba mẹ ủng hộ con". Bữa cơm chia tay tối qua, bạn bè đông lắm. Nó nói sẽ phấn đấu thật tốt, sẽ là người lính kiên trung. Tôi cũng mừng cho con đã hiểu được trách nhiệm với đất nước, nhưng cũng cảm giác buồn khi con phải xa nhà" - bà Hậu chia sẻ.
Chiến sĩ Lê Văn Thắng (thứ hai từ trái sang, tác giả bài thơ đăng trong bài báo này) cùng các tân binh ở đảo Sơn CaẢnh: Mai Thắng
Hai anh em sinh đôi Lê Công Quốc Khánh và Lê Công Quốc Minh tình nguyện ra Trường Sa Ảnh: Thành Nam
Nghĩa vụ thiêng liêng
Trong hàng vạn thanh niên lên đường tòng quân, mỗi người có cảm xúc, cung bậc tình cảm và ra đi từ miền quê, gia đình khác nhau. Có người là "cậu ấm" của một gia đình khá giả, có người chỉ có mẹ, có người ngày nhập ngũ vừa chớm 18 tuổi. Trong hàng vạn thanh niên ưu tú ấy, có những cặp song sinh cùng viết đơn tình nguyện ra Trường Sa. Đó là hai chàng trai nhà ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng Lê Công Quốc Khánh và Lê Công Quốc Minh.
Trước giờ lên đường vào Vùng 3 Hải quân, Quốc Khánh bộc bạch: "Có được cuộc sống hòa bình hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu. Bởi vậy, thế hệ trẻ chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân, mỗi người đều phải có trách nhiệm. Với suy nghĩ đó, anh em tôi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm nay. Tôi hứa sẽ quyết tâm phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ".
Còn Quốc Minh bày tỏ: "Chúng tôi biết ở Trường Sa bây giờ cũng có đầy đủ phương tiện sinh hoạt như ở đất liền. Trường Sa là nơi khắc nghiệt về thời tiết nhưng đó là điều kiện để tôi rèn luyện phấn đấu. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, nên gian khó, hy sinh cũng là lẽ thường. Tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phấn đấu được phục vụ lâu dài trong quân đội".
Trước quyết tâm của hai cậu con trai với nguyện vọng vào Hải quân để được ra Trường Sa, ông Lê Công Chiến, bố của Quốc Khánh và Quốc Minh, rất tự hào vì hai con đã trưởng thành, tự quyết định được con đường tương lai cho mình. "Từ lúc hai con còn nhỏ, tôi thường kể cho các con nghe về các anh hùng quân đội, gương chiến đấu anh dũng của bộ đội qua các trận chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Các con tôi đã thấm nhuần về điều đó. Tôi tự hào khi cả hai đứa viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Các con sẽ tiếp nối truyền thống gia đình và hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị giao phó" - ông Chiến nói.
Con đi mẹ nhé
Đó là tên bài thơ của hạ sĩ - chiến sĩ pháo thủ Lê Văn Thắng từ đảo Sơn Ca. Hạ sĩ Thắng, quê Thanh Hóa, tình nguyện ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Bài thơ anh viết tặng mẹ ở quê nhà chứa chan cảm xúc.
Tạm biệt mẹ con đi
Ra Trường Sa mẹ nhé
Hải đảo quê hương, mẹ ơi, con vẫn khỏe
Súng chắc trong tay con canh giữ biển trời
Trường Sa mùa này sóng nước trùng khơi
Nắng cháy da, cuồng phong rát mặt
Từ sáng tới chiều, khi hoàng hôn buông tắt
Đẫm mồ hôi giữa cát nóng, sóng cồn
Con nhớ quê hương lòng dạ bồn chồn
Nhớ khuôn mặt ngày tiễn con mẹ khóc
Một đời mẹ tảo tần khó nhọc
Nuôi con lớn khôn, thành Bộ đội Cụ Hồ
Khí hậu Trường Sa khắc nghiệt, hanh khô
Da con sạm đen vì cháy nắng
Nhưng không cháy được tình yêu và niềm tin cố gắng
Trái tim con dành cho Tổ quốc mình
Năm tháng quân trường như những ánh bình minh
Soi sáng, luyện rèn con trưởng thành lớn dậy
Dù bão tố cuồng phong, hay thao trường nắng cháy
Trường Sa đi, con chẳng tiếc thân mình...
Bình luận (0)