Trước hết phải khẳng định không phải đến bây giờ bạo lực học đường (BLHĐ) hay xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) mới diễn ra và được đề cập, nghiên cứu. Trên thực tế, nó đã diễn ra từ lâu, được bàn thảo ở nhiều hội thảo, tọa đàm, được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia hay cộng đồng bàn tới.
Định vị nguyên nhân
Có thể lý giải vài nguyên nhân mà thời gian gần đây, tình trạng này thu hút được sự tham gia của dư luận: nó diễn ra với tần suất liên tục, hành vi ngày càng tàn bạo, dã man; việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra một "phản ứng ngược" từ cộng đồng. Xã hội phát triển, khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn nên nhận thức của người dân về BLHĐ, XHTDTE được nâng lên… Tuy nhiên theo tôi, nguyên nhân mấu chốt là do sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội, đặc biệt là báo mạng và Facebook - những kênh trung gian có khả năng truyền, phát tán thông tin cực kỳ nhanh và bất cứ ai cũng có thể tiếp cận thông tin dễ dàng.
Một “yêu râu xanh” lãnh án tù chung thân vì hiếp dâm trẻ em Ảnh: PHẠM DŨNG
Từ thực tiễn các vụ án, vụ việc đã xảy ra có thể thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, có nguyên nhân các cơ sở giáo dục hiện nay thiếu chuyên gia tư vấn tâm lý; sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng còn yếu, thậm chí có nơi thờ ơ, vô trách nhiệm; một số quy định của pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn xã hội; việc xử phạt không bảo đảm tính răn đe...
Giải quyết từ gốc
Trên phương diện xã hội, chúng ta phải thừa nhận (và chấp nhận) rằng không thể loại bỏ BLHĐ và XHTDTE ra khỏi đời sống xã hội bởi nó tồn tại khách quan. Vấn đề là phải tìm cách phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế nó ở mức tốt nhất. Để giải quyết, cần phải có những giải pháp tổng thể, giải quyết căn cơ từ gốc, ở đó có sự tham gia của cả cộng đồng, xã hội, của truyền thông hay của chính bản thân những người có khả năng bị xâm hại.
Một là, mỗi gia đình, nhà trường cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc trang bị những kiến thức cần thiết liên quan đến giới tính, khả năng ứng phó với những tình huống cụ thể liên quan đến BLHĐ hay XHTDTE. Hãy biết lắng nghe và gần gũi để biết được những tâm tư, suy nghĩ mà con trẻ cần. Đặc biệt, cha mẹ, thầy cô phải có ứng xử đúng mực
Hai là, xây dựng lực lượng chuyên trách về lĩnh vực này. Mỗi cơ sở giáo dục, trường học cần có người chuyên trách về giáo dục giới tính, giáo dục đạo đức. Đó phải thực sự là những cán bộ được đào tạo bài bản, am hiểu tâm lý, trẻ em; có kỹ năng huấn luyện, truyền cảm hứng cho trẻ. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để các em có cơ hội tiếp xúc với nhau nhiều hơn và học cách giải quyết mâu thuẫn, xử lý tốt hơn trong những tình huống bị xâm hại.
Ba là, cần xây dựng cơ chế và thực thi hiệu quả cơ chế đó để người dân an tâm, mạnh dạn công khai thông tin hoặc giúp họ định vị lại trách nhiệm của mình, nhận rõ hệ quả của việc che giấu thông tin.
Bốn là, xây dựng chương trình Phòng chống quốc gia về BLHĐ và XHTDTE, trong đó vạch rõ nội dung thực hiện, thang đo để đánh giá diễn biến, thực trạng; xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm khi để tình trạng trẻ bị xâm hại xảy ra. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế kiểm soát việc công bố số liệu, vụ việc liên quan đến BLHĐ và XHTDT bởi trên thực tế số liệu được công bố chưa hề có một cơ chế giám sát xã hội hay chế tài xử lý nếu công bố không đầy đủ, không chính xác.
Năm là, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng. Khi vụ việc xảy ra, chúng ta không nên "nhai đi nhai lại" thông tin, mà chỉ cần cung cấp đủ, vừa phải, tránh khai thác quá nhiều thông tin đến vụ việc mà cần có những bài mang tính định hướng để giải quyết vấn đề.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-4
Bình luận (0)