Nhà số 45 Điện Biên Phủ - Đà Nẵng, nơi tổ chức dịch vụ chơi game thuê, đã bị đóng cửa
Giả làm du khách, kinh doanh lậu
Theo thượng tá Đỗ Văn Yên, Phó trưởng Phòng Xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng, chiều 7-8, lực lượng công an kiểm tra đột xuất căn nhà 45 Điện Biên Phủ - Đà Nẵng, phát hiện 19 thanh niên chơi game và 4 người Hàn Quốc điều hành trái quy định. Lực lượng chức năng đã niêm phong tang vật và lập biên bản xử lý vụ việc.
Theo điều tra ban đầu, sau khi nhập cảnh vào Việt Nam với danh nghĩa du lịch, ông Kang Buseok, người Hàn Quốc, móc nối với một số người Việt để tuyển dụng lao động là những thanh niên nghiện game online vào chơi game thuê cho mình. Từ một nhân viên được tuyển vào chơi game thuê, Nguyễn Minh Nhật (SN 1988, ngụ phường Chính Gián) được ông Kang mời làm giám đốc DNTN Taran ở số 6 Trần Đăng Ninh, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu - Đà Nẵng.
DNTN này do Sở Kế hoạch - Đầu tư Đà Nẵng cấp phép, ghi rõ ngành nghề kinh doanh là xuất bản phần mềm, lập trình máy tính, hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy tính. Tuy nhiên, Taran chủ yếu tuyển người vào chơi game thuê. Theo lời khai của Nhật, ngoài việc chơi game online thuê thì anh ta không trực tiếp điều hành DN trên cương vị giám đốc mà chỉ đại diện ký hợp đồng giao dịch, mọi hoạt động đều do ông Kang nắm.
Đến ngày 20-7, bà Phan Thị Thu Hiền, đại diện Taran, ký hợp đồng thuê căn nhà 45 Điện Biên Phủ để phục vụ việc kinh doanh của DN. Cùng ngày, 4 người Hàn Quốc và 19 nhân viên chơi game thuê vào ở nhưng không khai báo tạm trú.
Ông Nguyễn Đức Xa, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - Đầu tư Đà Nẵng, khẳng định Taran chưa đăng ký mở rộng địa điểm hoạt động nên việc tự ý kinh doanh ở 45 Điện Biên Phủ là sai quy định. Hơn nữa, DNTN này còn kinh doanh dịch vụ game online là sai giấy phép. Theo thượng tá Đỗ Văn Yên, 4 người Hàn Quốc và 19 thanh niên Việt ngụ tại đây không khai báo tạm trú là vi phạm pháp luật. Bốn người Hàn Quốc còn hoạt động sai mục đích nhập cảnh, bởi họ đi du lịch nhưng lại lén lút kinh doanh.
Theo thông tin của cơ quan điều tra, trước khi đến Đà Nẵng, các đối tượng người Hàn Quốc này cũng đã mở dịch vụ chơi game thuê ở TPHCM nhưng gặp rắc rối, bị lộ nên chuyển ra Đà Nẵng.
“Cày” cả ngày lẫn đêm
Những thanh niên Việt được Taran tuyển vào với mục đích chơi game online thuê (chơi nhân vật trong tài khoản do DNTN này nhận từ Hàn Quốc chuyển qua). Trong thời gian đầu thử việc, các nhân viên này được hướng dẫn cách thức chơi game; sau một tháng, nếu đạt yêu cầu sẽ được nhận vào làm chính thức với mức lương 2,5-3,5 triệu đồng/tháng. Đối tượng tuyển dụng mà Taran hướng đến là những thanh niên nghiện game online.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người bên Hàn Quốc mê game online, muốn đạt cấp độ cao nhưng lại không có thời gian (hoặc không đủ khả năng) nên cung cấp account (tài khoản) của trò chơi (chủ yếu là game Lineage 1) cho 4 người Hàn của Taran với điều kiện trong khoản thời gian nhất định phải nâng cấp độ. Bốn người này bèn tuyển nhân viên để chơi game thuê cho mình. Khi hết thời hạn, nhân viên nào chơi đạt yêu cầu sẽ chuyển tài khoản cho 4 người Hàn Quốc ở Taran để họ chuyển lại cho chủ tài khoản bên Hàn Quốc. Bên Hàn Quốc kiểm tra đạt yêu cầu sẽ chuyển tiền qua tài khoản cho 4 người đồng hương ở Việt Nam. Bốn người này trích một phần để trả công cho nhân viên chơi game thuê…
Hiện tượng đáng báo động Thượng tá Đỗ Văn Yên lo ngại: “Nếu vụ việc không được ngăn chặn kịp thời sẽ có rất nhiều học sinh, sinh viên mê game online bỏ học để vào “cày” thuê. Đây là hiện tượng đáng báo động, cần được cảnh báo để các bậc phụ huynh biết rõ. Thực tế, nhiều phụ huynh cứ nghĩ con em mình được tuyển dụng làm nhân viên vi tính chứ không nghĩ là họ chơi game online thuê”. |
Bình luận (0)