Thế nhưng, không còn là những xúc động như đêm trước, thay vào đó là sự hụt hẫng và phẫn nộ, bởi câu chuyện lấy đi bao nước mắt của không ít người dễ mềm lòng đã bị lột trần là bịa đặt, là tin giả (fake news) trắng trợn.
Một trong những dòng tin bịa đặt trong vụ bác sĩ "rút ống thở của mẹ"...
Đáng chú ý, trong khi những "người có liên quan" tin giả còn đang ỡm ờ bán tín bán nghi hoặc âm thầm rút bài đăng trên trang cá nhân, thì Sở Y tế TP HCM đã kịp thời lên tiếng khẳng định chuyện "bác sĩ Khoa rút ống thở" là hư cấu. Ngoài xác định không thể tồn tại những điều hết sức vô lý về chuyên môn y khoa trong tin giật gân bịa đặt đó, sở còn phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP HCM xác minh các vấn đề liên quan đến nguồn đăng tải để xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, một chỉ đạo khác của Sở Y tế thành phố cũng khiến người dân quan tâm. Công văn hỏa tốc số 5335/SYT-NVY do Giám đốc Nguyễn Tấn Bỉnh ký ngày 5-8 yêu cầu các đơn vị trực thuộc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu. Thông qua những chỉ đạo của mình, giám đốc sở mạnh mẽ nêu lên những thực tế mà trước đó đã có rất nhiều thông tin khó kiểm chứng từ phản ánh của người dân trong công tác tiếp nhận bệnh tại các cơ sở y tế giữa bối cảnh tình trạng dịch bệnh Covid-19 căng thẳng.
Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị phải luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận người đến khám và cấp cứu với chế độ trực bảo đảm 24/7, cổng bệnh viện phải luôn mở để người dân có thể tự đến khám, cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm.
Trong số những chỉ đạo này có một câu khiến người dân "mát ruột", đó là "các cơ sở tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà chậm trễ trong việc cấp cứu người bệnh". Và, các đơn vị chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình ôxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu, không để người bệnh diễn biến nặng hơn vì lý do phải chờ đợi lâu. Cuối công văn, Giám đốc Sở Y tế TP HCM nói rõ các yêu cầu của ông là nhằm mục tiêu giảm thấp tỉ lệ tử vong và không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Có lẽ những gì người dân trải qua, đều đã được tóm tắt trong Công văn hỏa tốc số 5335/SYT-NVY. Nó không chỉ mang ý nghĩa thể hiện trách nhiệm quản lý ngành đối với tình hình cấp bách hiện nay, chỉ đạo bằng văn bản đó của bác sĩ giám đốc sở còn giúp cho các cấp trong và ngoài ngành, cũng như người dân, có căn cứ để thực thi và giám sát.
Công văn hỏa tốc số 5335/SYT-NVY của Sở Y tế TP HCM
Mới đây, dư luận cũng hết sức đồng tình với sự nghiêm minh của lãnh đạo quận 8, TP HCM. Chỉ trong ngày 7-8, Chủ tịch UBND quận Trần Thanh Tùng đã ký hai quyết định đình chỉ và điều chuyển công tác đối với hai chủ tịch phường vì lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Vai trò, vị trí lãnh đạo địa phương hiếm khi được thể hiện một cách quyết đoán như lần này.
Có thể thấy hiệu ứng tâm lý được giải tỏa và niềm tin được nhóm lên lại từ người dân đang sinh sống trên địa bàn vốn đã trực tiếp hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng bởi lề thói làm việc thiếu trách nhiệm trước đó của hai chủ tịch phường vừa bị kỷ luật kia. Bởi trước đó, phản ánh của người dân đã không được lắng nghe, xử lý, dẫn tới luồng dư luận cho rằng "quan phường" là "vua một cõi", không ai làm gì được, thậm chí đã được bên trên che chắn (?!)
Trước luồng dư luận thật - giả chưa phân minh đó, quyết định cứng rắng của người đứng đầu chính quyền quận 8 về việc đình chỉ, điều chuyến công việc của hai chủ tịch phường đã sớm chặn đứng sự hồ nghi. Kèm theo quyết định kỷ luật là lời giải thích rõ ràng: Hai chủ tịch phường chưa thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; chưa giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, chưa giải quyết nhanh các yêu cầu của người dân về hỗ trợ y tế, chăm lo an sinh xã hội đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giữa diễn biến khó lường và bức bối của dịch bệnh COVID-19, mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm kiểm chứng và lan tỏa thông tin thật. Đồng thời, hơn ai hết, lãnh đạo các cấp cần nhận thức mối đe dọa của tin giả đối với cuộc chiến với dịch bệnh nói riêng và sự ổn định xã hội nói chung. Khi mạng xã hội đang cho thấy mặt trái ngày càng rõ, khiến cho mức độ thiếu tin cậy và gây hoang mang tăng lên, thì chính là lúc các nhà lãnh đạo cần lên tiếng minh định và đưa ra quyết định ứng phó, xử lý kịp thời, phù hợp, tối ưu để định hướng đúng và để củng cố lòng tin, trấn an dư luận.
Đó cũng là cách truyền cảm hứng lạc quan, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng nhằm tiếp thêm động lực vào cuộc chiến gian nan chống lại đại dịch Covid-19; tiếp đến là phục hồi sản xuất - kinh doanh và phát triển kinh tế, bảo đảm hơn nữa an sinh xã hội; xa hơn là phục vụ vào mục tiêu kiến tạo một TP HCM thịnh vượng, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Bình luận (0)