Thực tế cho thấy phần lớn các vi phạm liên quan đến đất đai, xây dựng được phát hiện từ người dân tố giác và thông tin báo chí. Đáng nói là nhiều công trình xây dựng không phép có quy mô lớn mọc lên giữa khu dân cư đông người, ai ở đó hay đi qua đều thấy nhưng cán bộ quản lý và giám sát địa bàn lại… không biết. Có hay không sự tiếp tay, bao che, móc nối giữa cán bộ quản lý với người vi phạm? Thiết nghĩ không khó để tìm câu trả lời.
Bởi hành lang pháp lý, quy định pháp luật, quyền hạn đã có, lý do gì chính quyền địa phương lại chần chừ, không vào cuộc xử lý ngay từ đầu, để người vi phạm xây dựng công trình đến khi hoàn thành? Vì đầu nậu hăm dọa? Vì người vi phạm bất hợp tác nên không thể xử lý? Vì vướng các quy định?... Tất cả lý do đều không thể biện minh bởi có rất nhiều cách xử lý vi phạm xây dựng. Vấn đề là cán bộ có trách nhiệm với công việc và quyết tâm hay không.
Việc xây dựng không phép, sai phép làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý tài nguyên đất, quy hoạch các khu kinh tế và khu dân cư cũng như chiến lược đô thị hóa, phát triển kinh tế. Gốc rễ xử lý vi phạm xây dựng chính là ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu, không để kéo dài, không được xử phạt rồi cho tồn tại hay hợp thức hóa bằng hình thức khác.
Nếu xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép, bên cạnh buộc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, phải xử lý nghiêm người vi phạm và cán bộ không làm tròn trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm chính quyền địa phương. Ngoài ra, cần kiện toàn đội ngũ thanh tra đáp ứng yêu cầu ngăn chặn xử lý vi phạm xây dựng.
Phải xử lý triệt để mới mong ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan như hiện nay.
Bình luận (0)