Ngư dân sống nhờ biển, sau chuyến biển, ngư dân đưa cá lên bờ cho người nhà bán tại bãi hay chợ dân sinh gần đó. Dân sống ở các TP biển sáng chiều ra biển hóng mát, vui chơi, xuống biển vẫy vùng…
Điều có vẻ bình thường nhưng đối với không ít nơi trên đất nước này lại là điều không bình thường vì xóm nhà ngư dân đang ở có thể bị giải tỏa để làm dự án khu nghỉ dưỡng, du lịch. Việc mưu sinh cũng không dễ dàng khi về nơi ở mới ra biển không thuận tiện, ghe thuyền khi vào bờ đem hải sản lên đất liền cũng nhọc nhằn. Nhiều nơi, các nhà nghỉ, resort bít lối ra biển, dân muốn ra biển để hóng gió, tắm biển phải đi đường vòng thật xa hay "mượn đường" của các resort song cũng thường bị từ chối hoặc làm khó dễ…
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai đầu tư các bãi tắm, công viên biển công cộng sau khi thu hồi một phần diện tích dự án khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu. Dự án này được cấp phép từ hàng chục năm qua nhưng chậm đầu tư, xây dựng. Do đó, TP Đà Nẵng thu hồi một phần khu đất tại phía Nam dự án với diện tích 24.486 m² để làm công viên. Để có lối đi dạo dọc bờ biển phục vụ nhu cầu người dân và du khách, TP Đà Nẵng đã thu hồi khu vực bãi cát phạm vi vệt 50 m từ mép nước biển tại các dự án ven biển.
Trước đó, TP Đà Nẵng đã bàn giao 5 lối xuống biển gồm lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương, lối giữa dự án Furama và Ariyana, lối phía Nam dự án Silver Shores, lối xuống biển nằm ở phía Bắc dự án khu du lịch biển The Song và lối nằm ở phía Nam dự án Future Property Invest…
Ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bãi biển Phước Thuận rộng hơn 10 ha đã từng là nơi có dự án "xí chỗ" làm khu du lịch, nghỉ dưỡng. Hơn 300 hộ dân làm ăn buôn bán ở bãi biển lo lắng vì khi có chủ trương di dời dân, huyện bố trí bãi cá ở xã khác thì ghe nhỏ không vào được. Trong khi nơi ở hiện tại thuận tiện cho việc làm bãi tắm, nơi buôn bán hải sản của dân trong vùng. Gần đây, thấy dự án không khởi động, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hồi dự án, người dân vui mừng khi được an cư, được huyện làm đường dẫn xuống biển và sắp tới sẽ xây dựng khu neo đậu ghe, bố trí bãi tắm công cộng, công viên cảnh quan, bãi đậu xe; dọn dẹp bãi biển sạch sẽ để bảo đảm môi trường khu vực buôn bán hải sản và ăn uống.
Sự quan tâm của chính quyền các địa phương trên là rất đáng hoan nghênh. Biển bao đời nuôi sống ngư dân, biển là một phần của cuộc sống con người. Mở mang các khu resort không có nghĩa là chiếm dụng hết cả dải bờ biển, bít lối xuống biển của người dân và du khách; thu hẹp đi nguồn sinh kế lâu nay của người dân bản địa. Ngược lại, phát triển các dự án cũng nhằm cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển, chăm lo đời sống người dân khu vực ngày một tốt hơn, mới là mục tiêu đúng đắn, bền vững.
Một lối ra biển thong dong, không còn những lo âu về cuộc mưu sinh. Đó là chuyện thường ngày mà lớn lao của lẽ đời.
Bình luận (0)