xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấp bách cứu bờ biển

NGỌC GIANG - HỢP PHỐ - KỲ NAM

Phải lập các hành lang bảo vệ bờ biển nhằm bảo vệ các khu vực dân cư, hệ sinh thái ven biển trước tình trạng sạt lở gia tăng do biến đổi khí hậu

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm bảo vệ 40 khu vực bờ biển bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở.

Bảo vệ trên đất liền lẫn đảo

Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng chiều dài bờ biển khoảng 300 km. Những năm qua, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu, xói lở nghiêm trọng đã xảy ra ở hầu hết các huyện ven biển, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Cấp bách cứu bờ biển  - Ảnh 1.

Một khu du lịch tại Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận từng bị sóng đánh tan hoang .Ảnh: HỢP PHỐ

Cấp bách cứu bờ biển  - Ảnh 2.

Một khu vực biển tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị xâm thực nghiêm trọng .Ảnh: NGỌC GIANG

Thời gian gần đây, tình trạng biển xâm thực diễn ra nhanh và mạnh hơn. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề chủ yếu ở các cửa sông, những nơi có dòng chảy phức tạp, như khu vực bờ biển của các xã Phước Thuận, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Lộc An (huyện Đất Đỏ), Trại Nhái (TP Vũng Tàu). Đặc biệt, tại 2 xã Bình Châu và Phước Thuận, theo thống kê, có khoảng 17.151 m bờ biển bị xói lở cần được bảo vệ khẩn cấp.

Theo Quyết định số 752 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 40 khu vực bờ biển được thiết lập hành lang bảo vệ có tổng chiều dài 48.618 m. Trong đó, phần đất liền có 27 khu vực với tổng chiều dài 36.744 m, bao gồm: 5 khu thuộc TP Vũng Tàu, 6 khu vực thuộc huyện Long Điền, 6 khu vực tại huyện Đất Đỏ và 10 khu vực thuộc huyện Xuyên Mộc. 13 khu vực còn lại được thiết lập hành lang bảo vệ là ở huyện Côn Đảo với tổng chiều dài 11.874 m, bao gồm các hòn Côn Sơn, hòn Cau, hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Bà, hòn Tre Lớn.

Việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm bảo vệ các khu vực dân cư sinh sống ven biển, khu vực rừng ngập mặn, hệ sinh thái, đa dạng sinh học ven biển. Ở những khu vực có tiềm năng du lịch và nghỉ dưỡng, việc thiết lập hành lang này còn nhằm bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Theo đó, những khu vực bị xói lở nghiêm trọng hoặc đang có nguy cơ xói lở được đưa vào danh mục bảo vệ khẩn cấp. Đó là phải thiết lập hành lang đoạn bờ biển thuộc thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), nơi có rừng phòng hộ, hệ sinh thái cây trên cạn, có các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa như Dinh Cô, Mộ Cô.

Tại TP Vũng Tàu, khu vực từ phường 11, 12 đến cầu Cửa Lấp có nhiều đoạn bị xói lở rất mạnh. Khu vực này có rừng phi lao, rừng ngập mặn và nhu cầu tiếp cận của người dân với biển cao nên cần phải lập hành lang bảo vệ bờ biển. Khu vực vùng bờ thuộc các xã Bông Trang và Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) có dải rừng phòng hộ với chiều dài hàng chục ki-lô-mét, góp phần rất lớn vào việc chống xói lở bờ biển nên cần phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với chế độ bảo vệ đặc biệt.

Tại Côn Đảo, những khu vực được thiết lập hành lang bảo vệ là những vị trí có bãi cát, địa hình thấp, khu vực rùa đẻ trứng, có hệ sinh thái rạn san hô dưới biển; những khu vực góp phần cùng với hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên cao, hệ sinh thái thảm cỏ biển, các rạn san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn tạo nên một liên kết hoàn chỉnh nhưng đang đứng trước nguy cơ sạt lở.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc nghiên cứu thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đã được sở triển khai từ năm 2018. Đến nay, đã hoàn thành bản đồ địa hình, bản đồ hiện trạng tài nguyên vùng bờ, bản đồ các khu vực bờ biển dự kiến thiết lập hành lang bảo vệ. Từ nay đến cuối năm 2020, sở sẽ phối hợp với các địa phương hoàn thành việc xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển và tiến hành cắm mốc ngoài thực địa.

Nhiều địa phương quyết tâm

Hiện nay, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển cũng đang được nhiều tỉnh, thành ven biển triển khai, trên cơ sở cân đối nguồn vốn theo từng dự án, địa phương có điểm sạt lở.

Tỉnh Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, nối 36 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố. Những năm qua, tình trạng xói lở bờ biển luôn là nỗi lo thường trực của các hộ dân cư ven biển và doanh nghiệp du lịch. Chỉ riêng thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành, TP Phan Thiết), từ năm 1994 đến nay đã có hơn 150 căn nhà bị sóng cuốn trôi.

Trước thực trạng báo động trên, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư xây dựng được gần 16 km kè biển kiên cố và hơn 5,5 km kè tạm cho các điểm bị xói lở từ nguồn vốn trung ương và địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 22 km bờ biển bị xói lở chưa được đầu tư xây dựng.

Việc đầu tư các công trình kè biển này cần kinh phí rất lớn, trong khi vốn ngân sách khó khăn dẫn đến nhiều đoạn biển bị xói lở nhưng chưa được khắc phục. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hỗ trợ cho Bình Thuận 180 tỉ đồng để xây dựng kè biển một số khu vực thuộc thị xã La Gi, huyện Tuy Phong và TP Phan Thiết. Tuy nhiên, nguồn vốn này chỉ giải quyết ở 4 vị trí bị ảnh hưởng nặng nhất, chứ không bảo đảm xử lý hết các điểm sạt lở đang tồn tại.

Trong lúc nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn quyết tâm thực hiện, kêu gọi chủ trương xã hội hóa trong xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển gắn với quyền lợi, trách nhiệm của các doanh nghiệp đang đầu tư ở những khu vực này.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đang triển khai nhiều dự án xây kè, thiết lập hành lang bảo vệ các khu vực ven biển. Mới đây, vào giữa tháng 6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị phản biện dự án "Kè chắn sóng bờ biển bảo vệ khu dân cư Phú Hội 2, xã Vạn Thắng". Dự án này dự kiến xây dựng bờ kè công trình dài 780 m dọc theo bờ biển đoạn thuộc khu vực thôn Phú Hội 2, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh. Dự kiến kè được xây dạng tường, kết hợp mái, cao 4,6 m. Bên trong kè làm tuyến đường bê-tông rộng khoảng 3 m. Kinh phí đầu tư cho dự án hơn 80,8 tỉ đồng.

Theo khảo sát, khu vực ven biển xã Vạn Thắng luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu khi vùng đất ven bờ bị xâm lấn gây xói mòn, nước biển xâm thực vào vùng bờ hơn 50 m. Vào mùa mưa bão, sóng biển ập vào làm sập đổ, hư hỏng nhiều nhà dân sinh sống ven bờ biển.

Ngoài xã Vạn Thắng, theo ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, từ phía Nam cầu Trần Hưng Đạo đến Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh cũng thường xuyên bị sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Huyện đang tìm nguồn vốn đầu tư để xây kè dài hơn 700 m nhằm bảo vệ tuyến giao thông ven biển này.

Còn tại TP Nha Trang, tình trạng xâm thực, sóng biển vào mùa biển động thường xuyên đe dọa khu vực phường Vĩnh Nguyên, địa phương có nhiều công trình trọng yếu. Tại đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đang triển khai dự án xây kè chắn sóng, thiết lập hành lang bảo vệ ở khu vực này với chiều dài khoảng 535 m. Mục tiêu của dự án là chống xói lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư; đồng thời bảo vệ vùng sản xuất, chế biến thủy sản, cơ sở hạ tầng, các công trình văn hóa, quân sự bên trong. Khi dự án hoàn thiện sẽ cải thiện vệ sinh môi trường nước bằng việc tạo điều kiện có mặt bằng xây dựng các công trình vệ sinh tự hoại cho các hộ gia đình, không cho đổ chất thải trực tiếp xuống bãi tắm xung quanh khu vực biển Nha Trang. 

Thiết lập lại trật tự quản lý bờ biển

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển còn nhằm mục đích thiết lập trật tự quản lý nhà nước đối với khu vực bờ biển theo pháp luật hiện hành.

Cụ thể, theo điều 24 Luật Tài nguyên - môi trường biển và hải đảo năm 2015, trong hành lang bảo vệ bờ biển, các hành vi sau đây bị nghiêm cấm: Khai thác khoáng sản (trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận); xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng (trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng chống chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...); xây dựng mới nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải; khoan, đào, đắp trong hành lang bảo vệ bờ biển; lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ bờ biển; hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo