Hình thức xử lý người có hành vi bạo hành là vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại Hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (viết tắt: dự án Luật) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức sáng 8-4.
Đại biểu góp ý nhiều nội dung trong dự án Luật
Tại hội thảo, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM - nhận xét dự án Luật bao quát hầu hết vấn đề trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng dự án Luật cần bổ sung một số nội dung sao cho khớp thực tế hơn nữa.
Đơn cử, nhiều vụ việc trẻ em gánh chịu cảnh bạo hành do bạn gái của ba hoặc bạn trai của mẹ gây ra; người gây bạo hành không phải mẹ kế hay cha dượng nạn nhân, tức là không có mối quan hệ gia đình nhưng dự án Luật chưa nhắc đến vấn đề này. Vì vậy, luật sư nhận thấy cơ quan soạn thảo cần ràng buộc đối tượng là người có quan hệ tình cảm với cha, mẹ bị hại vào dự án Luật.
Bên cạnh đó, đa phần phụ nữ gánh chịu tổn thất khi bạo lực gia đình xảy ra. "Khi phụ nữ bị bạo hành, pháp luật quy định phụ nữ phải tạm lánh, thoát khỏi nơi ở. Còn người có hành vi bạo hành thì không cần ra đi. Pháp luật chưa thực sự mạnh tay xử lý thủ phạm bạo hành" - luật sư bức xúc.
Toàn cảnh hội thảo
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ dẫn chứng trường hợp bị cáo mang tội "Giết người" vì siết cổ chồng. Theo đó, chị này nhiều lần bị chồng hành hung phải vào bệnh viện. Vì thương con nên chị cam chịu nhiều năm liền. Cứ sau mỗi trận đòn, chị vào nhà tạm lánh 15 ngày như pháp luật quy định nhưng sau đó chồng lại "ngựa quen đường cũ".
Không chịu nổi, người phụ nữ ly hôn. Tưởng rằng đó là lối thoát nhưng bi kịch vẫn xảy ra. Do muốn giữ tài sản cho con nên chị tranh chấp với chồng cũ rồi gây án mạng.
Luật sư cho rằng những vụ việc đau lòng bắt nguồn từ tình trạng bạo lực gia đình như vậy đòi hỏi pháp luật xử lý thích đáng hơn nữa đối với thủ phạm bạo hành.
Đồng quan điểm, bà Trần Hải Yến, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho hay pháp luật hiện hành chưa đề cập rõ đối tượng phải ra khỏi nhà sau sự việc bạo hành. Đa phần, phụ nữ - nạn nhân bạo hành phải ra đi.
Bà Trần Hải Yến góp ý dự án Luật nên đề cập rõ hơn nữa đến hình thức xử lý người có hành vi bạo lực gia đình, như quy định rõ nơi đối tượng phải đến sau khi vi phạm…
Dự án Luật gồm 6 chương với 62 điều. Trong đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 42 điều trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 điều; bỏ 3 điều.
Bình luận (0)