Khiếu nại (KN), tố cáo (TC) là quyền cơ bản của công dân, được cụ thể hóa qua Hiến pháp, Luật KN, Luật TC và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, tạo cơ sở pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trên thực tế, người dân thực hiện quyền KN, TC đôi khi không theo đúng quy định của pháp luật.
Gửi đơn nhiều nơi, vượt cấp
Lĩnh vực KN, TC thường tập trung chủ yếu là đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, các chế độ chính sách… Tuy nhiên, đơn thư KN, TC thường được gửi nhiều cấp, nhiều nơi dẫn đến tình trạng đơn thư bị chuyển lòng vòng làm lãng phí thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan nhà nước và cho chính người KN, TC.
Người dân gửi đơn đến cơ quan chức năng có nội dung rất đa dạng, phức tạp, khó xử lý như vừa KN vừa TC, có khi kèm cả kiến nghị. Nhiều nội dung KN, TC không có chứng cứ, vu khống, nói xấu cán bộ, công chức, các cơ quan, đơn vị và cả chính quyền địa phương. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến số lượng đơn thư KN, TC và tính chất phức tạp của nội dung đơn ngày càng tăng. Luật KN 2011, Luật TC 2011 nghiêm cấm hành vi cố tình KN sai sự thật; cố ý TC sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác TC sai sự thật; mạo danh người khác để TC.
Nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết KN hay xử lý nội dung TC của công dân thường kết luận những nội dung KN, TC sai sự thật là không có cơ sở giải quyết chứ không chú trọng đến việc xử lý đối với hành vi KN, TC sai sự thật của người KN, TC. Điều này không có sức răn đe và cũng là nguyên nhân làm cho tính chất các đơn thư ngày càng phức tạp.
Một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật KN, TC nói riêng, luôn có tư tưởng cơ quan có thẩm quyền không giải quyết đúng pháp luật cho dù cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã xem xét, giải quyết đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý.
Tâm lý càng gửi đơn thư đến nhiều cơ quan cấp trên càng được giải quyết sớm mà không quan tâm đến việc gửi đơn thư KN, TC vượt cấp là không đúng thẩm quyền, đang làm hạn chế quyền của người KN, TC.
Đặc biệt, việc giải quyết KN, TC vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch và dân chủ. Nhiều cá nhân còn thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, không giải quyết đúng theo quy định của pháp luật hoặc giải quyết không đúng thời hạn. Trong khi đó, việc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án lại rườm rà, phức tạp tạo ra một rào cản vô hình khi người dân thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Người dân gửi đơn đến cơ quan chức năng có nội dung rất đa dạng, phức tạp, khó xử lýẢnh: Hoàng Triều
Giải pháp khắc phục
Thiết nghĩ, để người dân thực hiện quyền KN, TC của mình đúng quy định của pháp luật, không gây phiền hà, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết và chính bản thân họ, cần triển khai hiệu quả các quy định của Luật KN, Luật TC và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, các ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật KN, Luật TC đến cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn để nắm rõ các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác quản lý nhà nước cũng như trong công tác giải quyết KN, hạn chế tối đa những sai phạm trong hoạt động của công chức, viên chức, khắc phục thói quan liêu, cửa quyền, hách dịch của một bộ phận cán bộ, công chức - nguyên nhân phát sinh KN, TC. Cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận, xử lý và giải quyết KN, TC đúng pháp luật, củng cố niềm tin của người dân vào cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết KN, TC, nhất là cấp chính quyền cơ sở.
Ngoài ra, tăng cường công khai thông tin bảo đảm tính minh bạch, chính xác để người dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động KN, TC cũng như thực hiện quyền giám sát đối với việc thực thi công vụ của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức; nâng cao vị thế, vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội như vai trò của luật sư, hội luật gia các cấp hoặc trung tâm trợ giúp pháp lý trong việc giải quyết KN, TC tại địa phương.
Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KN, TC và triển khai thực hiện nghiêm túc nhằm góp phần hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về KN, TC.
Để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, cần sớm hoàn thiện pháp luật, khắc phục những bất cập trong quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Bình luận (0)