Kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa IX, tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu HĐND TP góp ý cần sớm đề xuất trung ương cho TP HCM thực hiện đề án không tổ chức HĐND quận, phường trên địa bàn TP trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy để bảo đảm vận hành, điều hành của chính quyền được nhanh chóng, hiệu lực, hiệu quả, giảm bớt tầng trung gian, đáp ứng nhanh chóng mọi yêu cầu của người dân, cần có mô hình riêng cho đô thị, gọi là mô hình chính quyền đô thị (CQĐT). Lâu nay, chúng ta tổ chức quản lý đô thị không khác với địa bàn nông thôn và những bất cập cũng xuất phát từ đó. Có thể nói một cách hình ảnh "dùng chiếc áo mặc cho nông thôn để mặc cho đô thị không phù hợp với tầm vóc to lớn của đô thị".
Trong quá trình quản lý đô thị, các cấp chính quyền ở đô thị luôn đương đầu giải quyết những khó khăn, như: tình trạng xây dựng không tuân thủ quy hoạch, vấn đề cấp thoát nước, thiếu cây xanh, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu công ăn việc làm, tệ nạn xã hội, gia tăng dân số… Các khó khăn này luôn tác động, đan xen lẫn nhau làm cho quá trình quản lý đô thị càng phức tạp.
Tất cả những bất cập này chỉ có thể hóa giải khi thực hiện mô hình CQĐT bởi mô hình này đòi hỏi công tác quản lý đô thị phải có những đặc thù riêng, bảo đảm các nguyên tắc: Tập trung thống nhất cao, tránh tình trạng cắt khúc; quản lý đô thị nhất thiết phải dựa theo quy hoạch; tổ chức quản lý đô thị theo nguyên tắc trực tiếp; phân cấp quản lý rành mạch giữa ngành và cấp ở đô thị; triệt để sử dụng công cụ pháp luật để quản lý đô thị; bộ máy quản lý đô thị phải tinh gọn, có kiến thức về quản lý đô thị; luật pháp phải đồng bộ, pháp chế nghiêm, phương tiện quản lý phải hiện đại.
Muốn vậy, phải giảm cấp quản lý trên địa bàn đô thị. TP có HĐND TP và UBND TP (hoặc Ủy ban Hành chính TP) và UBND phường (hoặc Ủy ban Hành chính phường). Ngoài ra, cần quan tâm đến thực trạng của TP hiện nay có 3 trạng thái địa bàn: đô thị hóa hoàn chỉnh, đang đô thị hóa và địa bàn nông thôn. Trên 3 loại địa bàn này cần tổ chức quản lý khác nhau.
Cũng cần nhắc lại bài học từ lịch sử. Ngay từ những ngày đầu mới giành được độc lập, dù bận trăm công ngàn việc, Hồ Chủ Tịch nhanh chóng ban hành Sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 về "Tổ chức chính quyền nhân dân ở các địa phương" và ngay sau đó, ngày 21-12-1945 lại ban hành tiếp Sắc lệnh số 77 về "Tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và TP". Rõ ràng dù Chính phủ lâm thời còn rất non trẻ nhưng dưới sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân biệt rõ ràng sự khác nhau của việc tổ chức quản lý địa bàn nông thôn so với địa bàn đô thị.
Trên địa bàn đô thị, Sắc lệnh số 77 ghi rõ: "Ở mỗi TP đặt 3 thứ cơ quan: HĐND TP, Ủy ban Hành chính TP và Ủy ban Hành chính khu phố" (điều 3). Như vậy, ở TP có 2 cấp và HĐND chỉ có ở cấp TP. Điều này phù hợp với quan niệm đô thị là một chỉnh thể thống nhất nên phải tổ chức bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, không được cắt khúc và quản lý trực tiếp, giảm bớt tầng nấc. Cũng trong Sắc lệnh 77, thấy rõ chủ đích là nâng cao vai trò trách nhiệm của Ủy ban Hành chính các cấp trong việc điều hành đô thị.
Bình luận (0)