Với hơn 117.000 liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên được nhập về nước và sự nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc-xin của các doanh nghiệp trong nước đã mở ra cơ hội "phủ" vắc-xin ngừa Covid-19 toàn dân.
Công bằng trong tiếp cận vắc-xin Covid-19
Ngay sau khi Việt Nam nhận được lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên với số lượng khoảng 150 triệu liều. Tại Nghị quyết 21, Chính phủ quy định có 9 nhóm được ưu tiên tiêm sớm và tiêm miễn phí vắc-xin Covid-19, trong đó đầu tiên là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra); quân đội; công an…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ước tính năm 2021, để tiêm đủ dân số, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vắc-xin. Hiện chắc chắn đã có 60 triệu liều, bao gồm 30 triệu liều từ chương trình COVAX Facility (do GAVI, WHO sáng lập để cung cấp vắc-xin Covid-19 cho 190 quốc gia) và 30 triệu liều đặt mua từ hãng AstraZeneca cam kết cung cấp cho Việt Nam.
Với hơn 117.000 liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca về tới Việt Nam, Bộ Y tế đang cùng Bộ Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đánh giá chất lượng lô xuất xưởng nên có thể thời gian tiêm sẽ chậm hơn dự kiến. Nguyên tắc chung là bảo đảm an toàn tối đa cho người dân, hiệu quả, hiệu lực của vắc-xin. "Vắc-xin đưa ra tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, để bảo đảm miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, do không thể tiêm ngay cho 100 triệu dân nên cần có thứ tự ưu tiên. Khi Việt Nam tự chủ được nguồn vắc-xin Covid-19, về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí như trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên về đến Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Xã hội hóa
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, quý I dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24-2, số còn lại về trong tháng 3; quý II có 9,5 triệu liều; quý III có 25,9 triệu liều; quý IV có 51,1 triệu liều.
Đối với vắc-xin trong nước, dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vắc-xin Covid-19 để sử dụng đại trà cho người dân.
"Chúng ta huy động tất cả nguồn lực trong xã hội và đẩy nhanh tiến độ cung ứng vắc-xin. Điều này giúp bảo đảm ngân sách nhà nước, tăng độ bao phủ tiêm vắc-xin theo hình thức xã hội hóa. Cùng với đó, vắc-xin của Nanocovax của Công ty Nanogen đã thử nghiệm giai đoạn 2, trong khi vắc-xin Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) có hiệu quả tốt trong quá trình nghiên cứu" - ông Nguyễn Thanh Long nói.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của một số địa phương về việc mua vắc-xin Covid-19 theo phương thức xã hội hóa để tiêm cho người dân địa phương. Nhiều doanh nghiệp đăng ký tiêm vắc-xin cho cán bộ, nhân viên, người lao động có trả phí. Người dân đi tiêm vắc-xin trả tiền, trừ nhóm đối tượng ưu tiên theo chính sách, người nghèo. Đó chính là xã hội hóa.
Kế hoạch tiêm chủng lớn nhất của Việt Nam
Theo các chuyên gia, đến thời điểm này, tiêm vắc-xin là phương pháp chủ động và hiệu quả trong phòng bệnh Covid-19. Tuy nhiên, để bảo đảm miễn dịch cộng đồng, cần tiêm chủng tối thiểu cho khoảng 70% dân số trong cộng đồng.
Những ngày qua, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị, triển khai chiến dịch tiêm ngừa trên quy mô toàn quốc. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với khoảng 100 triệu liều vắc-xin được tiêm trong năm 2021 là một thách thức rất lớn với ngành y tế. Trước đó, với chiến dịch tiêm 23 triệu liều vắc-xin sởi - Rubella, nước ta đã mất hàng tháng mới hoàn thành. Vì thế, lần này Bộ Y tế huy động tất cả bộ - ngành, để tăng độ bao phủ đối phó với nguy cơ trước mắt của dịch Covid-19. Theo đó, tất cả cơ sở y tế công lập sẽ tham gia quá trình tiêm chủng, đồng thời huy động lực lượng sinh viên các trường y để tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động.
PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết trước khi triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, cán bộ y tế sẽ được tập huấn về việc sử dụng vắc-xin và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... Trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng. Việc triển khai tiêm vắc-xin sẽ theo tiến độ cung ứng vắc-xin và sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai biến.
Cũng theo PGS-TS Dương Thị Hồng, trước khi tiêm vắc-xin Covid-19, đối tượng tiêm sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng khi đủ điều kiện về sức khỏe. Khi đi tiêm chủng, người dân chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại.
Theo kế hoạch, việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 sẽ được tổ chức với hình thức chiến dịch nhưng không phải là triển khai đồng loạt trên toàn quốc cho tất cả đối tượng mà sẽ tổ chức cuốn chiếu tại các địa phương, cho từng nhóm đối tượng phù hợp với tiến độ cung ứng vắc-xin. Dựa trên hệ thống tiêm chủng đang triển khai trên toàn quốc với khoảng hơn 13.000 cơ sở tiêm chủng bao gồm tiêm chủng mở rộng tại xã, phường, điểm tiêm chủng tại bệnh viện và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ bảo đảm đủ điều kiện tiêm chủng.
Tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 thế nào?
Vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca sản xuất sử dụng 2 liều cho các đối tượng trên 18 tuổi, cách nhau 21 ngày, tiêm bắp, đóng gói 8-10 liều/lọ. Ngành y tế sẽ tổ chức theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất và sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có. Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước và tư nhân tham gia tổ chức buổi tiêm.
Theo đó, bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, TP đến tuyến huyện: Thực hiện tiêm cho các đối tượng là các cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương. Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị và hỗ trợ cho các xã ở các vùng đi lại khó khăn (ít nhất 1 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 xã).
Đối với trạm y tế cấp xã: Tiêm vắc-xin tại trạm và điểm tiêm lưu động. Thực hiện tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế, nhân viên tham gia công tác phòng chống dịch, lực lượng quốc phòng, công an, giáo viên trên địa bàn, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, những người già trên 65 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và các trường hợp mắc bệnh mạn tính không điều trị nội trú theo kế hoạch của địa phương. Sau khi kết thúc chiến dịch phải tiến hành tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm tại bệnh viện. Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị.
Đối với bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế... thuộc các bộ, ngành: Xây dựng kế hoạch, thực hiện tiêm cho các đối tượng của ngành và hỗ trợ ngành y tế triển khai cho các đối tượng khác (trong trường hợp cần thiết). Tổ chức các đội cấp cứu tại cơ sở tiêm.
Đối với điểm tiêm chủng dịch vụ: Thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của sở y tế. Bố trí các đội cấp cứu và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Không được chủ quan
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng sau khi tiêm mũi vắc-xin thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay mà phải đến mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải xem như người chưa được tiêm vắc-xin Covid-19, nhất là trong thời điểm người dân chưa có miễn dịch cộng đồng.
Bình luận (0)