Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang cùng Hàn Quốc đánh giá lại chất lượng lô vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca vừa nhập khẩu về nước ta cách đây ít ngày. Vì thế, có thể thời gian tiêm vắc-xin sẽ chậm hơn dự kiến.
Phải bảo đảm an toàn
"Vắc-xin được đưa ra tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp" - ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong số các vắc-xin được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, vắc-xin của hãng Pfizer đứng đầu khi được 66 quốc gia cấp phép, vắc-xin của hãng AstraZeneca đang lưu hành tại 50 quốc gia và vắc-xin Covid-19 của Moderna có mặt tại 28 nước...
Trong số này, vắc-xin AstraZeneca là một trong 2 vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu. Hiệu lực, mức độ bảo vệ của vắc-xin AstraZeneca khá tốt, sau mũi 1 bảo vệ được 76%, sau mũi 2 là 81%. Điều quan trọng là 100% trường hợp tiêm được bảo vệ không tiến triển nặng hơn - tức là có thể có trường hợp mắc nhưng không nặng hơn, không tử vong.
Cán bộ y tế tư vấn cho tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc-xin sản xuất trong nước
Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp tất cả đơn vị để triển khai chiến dịch tiêm ngừa vắc-xin trên quy mô toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay. Với khoảng 100 triệu liều được tiêm trong năm 2021, đây là một thách thức rất lớn.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, virus SARS-CoV-2 biến đổi nhiều nên hiệu lực bảo vệ của vắc-xin chỉ trong thời gian nhất định. Ngành y tế xác định ngoài việc tìm kiếm nguồn vắc-xin nhập khẩu để đáp ứng trước mắt thì phải thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước. Khi chủ động được vắc-xin sản xuất trong nước, Việt Nam có thể bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế và sẵn sàng phục vụ khi dịch diễn biến phức tạp.
Thử nghiệm lâm sàng vắc-xin thứ 2
Ngày 27-2, tại lễ tiếp nhận 20 tỉ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa Covid-19 Covivac do Tập đoàn Vingroup tài trợ cho Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) Nha Trang, ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết dự kiến trong tuần tới, IVAC sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thử nghiệm tiêm vắc-xin này trên người tình nguyện.
Giai đoạn 1 sẽ thực hiện tại Trường ĐH Y Hà Nội với khoảng 120 người tham gia có độ tuổi từ 18-59, được tiêm 2 mũi/0,5 ml (tiêm vắc-xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày. Sau 43 ngày tiêm mũi thứ 2, nếu kết quả an toàn miễn dịch tốt, chọn được mức liều tối ưu, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp nối chuyển sang nghiên cứu giai đoạn 2 (dự kiến bắt đầu vào tháng 7), thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình và mở rộng số người tham gia lên 300, đồng thời mở rộng độ tuổi từ 18-75. Dự kiến, quá trình nghiên cứu lâm sàng vắc-xin Covivac hoàn thành vào tháng 10.
"Mỗi liều vắc-xin Covivac không quá 60.000 đồng" - ông Thái cho biết. Theo ông, kháng thể vắc-xin Covivac chống được biến chủng virus SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi. Cơ quan y tế đang nghiên cứu kháng thể với các chủng khác của virus này.
Ông Thái cho hay công nghệ sản xuất vắc-xin Covivac đã được sử dụng để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Các nghiên cứu tiền lâm sàng đối với vắc-xin Covivac tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm. Với kết quả này, ngoài vắc-xin Nanogen đang được thử nghiệm giai đoạn 2 thì Covivac được Bộ Y tế coi là vắc-xin tiềm năng trong cuộc ứng phó đại dịch Covid-19. Hiện các lô vắc-xin thử nghiệm lâm sàng đã được đánh giá đạt yêu cầu chất lượng tại nhà sản xuất và Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin - Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế).
Ngày 27-2, nước ta có thêm 6 ca mắc Covid-19 đều ở Hải Dương. Hiện tổng số ca mắc ở nước ta là 2.432, trong đó 1.844 ca đã được chữa khỏi. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là gần 64.000. Đến nay, 10 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca bệnh Covid-19 là Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP HCM.
TP HCM mở lại các hoạt động thiết yếu
Ngày 27-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay đã 16 ngày qua, TP không phát hiện trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng và có thêm 4 trường hợp điều trị khỏi bệnh, tiếp tục được theo dõi sau điều trị. Số nhiễm Covid-19 phát hiện tại TP HCM từ đầu dịch đến nay là 210, trong đó 199 trường hợp đã điều trị khỏi, 11 trường hợp đang điều trị. TP triển khai lấy mẫu xét nghiệm giám sát thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự trước 2 ngày giao quân tại 24 quận - huyện; tổ chức rà soát, lấy mẫu xét nghiệm giám sát các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ ngày 1-1, đang làm việc tại TP, chưa phát hiện trường hợp nhiễm.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Văn bản nêu rõ từ ngày 1-3, TP tiếp tục tạm dừng hoạt động các lĩnh vực sau cho đến khi có thông báo mới: vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, các cơ sở hoạt động thể thao trong không gian kín (gym, fitness, billiards, yoga...). TP cho phép hoạt động trở lại đối với các lĩnh vực: du lịch; giao thông vận tải; kinh doanh dịch vụ ăn uống; chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà lồng), siêu thị, trung tâm thương mại; bảo tàng, di tích; thư viện, phòng đọc sách và tổ chức tập luyện của các đơn vị hoạt động thể dục thể thao. Tất cả hoạt động đều phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của các Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch covid-19; phải bảo đảm khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 1 m; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc.
Hoạt động nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng thờ tự được tổ chức nhưng không tập trung quá 50 người cùng một thời điểm, bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khác theo quy định của ngành y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khoảng cách giữa 2 người từ 1 m trở lên...
N.Thạnh
Bình luận (0)