Hai vấn đề pháp lý lớn gây tranh cãi hiện nay là số tiền 5 triệu yen này được xác định là loại tài sản gì? Thẩm quyền xử lý thuộc về cơ quan nào? Cả hai vấn đề này đều rất quan trọng, mọi quyết định vội vàng có thể để lại những hậu quả pháp lý nghiêm trọng, phát sinh khiếu nại, tố cáo, tranh chấp kéo dài.
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự (BLDS), tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Tuy nhiên, BLDS chỉ quy định quyền chiếm hữu đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên... mà không có quy định đối với tiền vô chủ, tiền bị đánh rơi hay chiếm hữu tiền trong các trường hợp tương tự.
Theo đó, sẽ phát sinh các trường hợp sau: Nếu số tiền này không được xem là “vật” thì không căn cứ pháp lý để xử lý vì chưa ai có quyền chiếm hữu để có thể vận dụng điều 247 BLDS. Nếu xem số tiền đó là “vật” thì số tiền này là vật vô chủ, không xác định được chủ sở hữu hay vật do người khác đánh rơi, bỏ quên? Nếu xác định là vật vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu thì người tìm thấy sẽ được hưởng 100%, ngược lại người này chỉ được hưởng một phần theo quy định. Số tiền này là ngoại tệ, do đó cần phải xem xét nguồn gốc của nó có hợp pháp hay không? Nếu không xác định được chủ sở hữu và không tìm thấy bất cứ chứng từ nào liên quan đến số tiền này, có xem là ngoại tệ có nguồn gốc bất hợp pháp không?
Chị Hồng hằng ngày vẫn mua bán ve chai chờ cơ quan chức năng giải quyết vụ 5 triệu yen mình nhặt được. Ảnh: Thanh Hòa
Về thẩm quyền xử lý, nếu giao Sở Tài chính, cần phải xác định được số tiền đó là vật bị chôn giấu, chìm đắm; nếu giao tòa án, phải xem đó việc dân sự (vì chưa xác định được người bị kiện); nếu giao công an thì không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này vì về bản chất đây là một vụ việc dân sự, cơ quan công an không có quyền đi chứng minh, thẩm định chứng cứ dân sự để có quyết định xác lập quyền sở hữu tài sản đó cho ai.
Như vậy, để vụ việc có điểm kết, thiết nghĩ các cơ quan chức năng chọn một trong hai cách sau đây để giải quyết:
Một là, cơ quan công an mạnh dạn giao số tiền này cho người thụ hưởng căn cứ theo quy định nào có cơ sở chắc chắn nhất. Trong trường hợp này, theo tôi, là xử lý số tiền căn cứ theo khoản 2 điều 241 BLDS (Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên) là phù hợp nhất. Nếu chị Hồng thấy quyền lợi mình chưa thỏa đáng, có quyền khiếu nại, khởi kiện ra tòa án. Tương tự, nếu chồng bà Phạm Thị Ngọt cho rằng quyền lợi mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện người đang thụ hưởng số tiền này ra tòa án để được giải quyết.
Hai là, căn cứ vào Hiến pháp, các cơ quan chức năng cần có đơn kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để được giải thích luật nhằm làm sáng tỏ các vấn đề nói trên. Giải pháp này sẽ rút ngắn được thời gian giải quyết, đồng thời làm cơ sở để giải quyết những quan hệ tương tự.
Bình luận (0)