Báo Người Lao Động số ra ngày 4-8 có bài phản ánh về việc ông Phan Hùng Việt - Bí thư Huyện ủy Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu - tranh chấp ranh đất với vợ chồng ông Mã Văn Thương (67 tuổi) và bà Trần Mỹ Lệ (57 tuổi; ngụ khóm Trà Kha A, phường 8, TP Bạc Liêu). Vụ tranh chấp kéo dài 7 năm chưa kết thúc do quá trình giải quyết có quá nhiều khuất tất.
Cắm mốc không theo sổ đỏ
Nguồn gốc đất tranh chấp là của ông Mã Văn Phì (cha ông Thương) mua năm 1975, trên đất có sẵn căn nhà gia đình ông Thương đang ở. Lúc đó, ông Phạm Minh Chánh, làm việc ở Công an tỉnh Minh Hải (cũ), cho ông Phì biết chính quyền có ý định thu hồi đất để xây cơ quan khí tượng. Ông Chánh bảo ông Phì đưa giấy tờ đất để giữ giùm và sẽ nói với chính quyền không thu hồi đất.
Khi ông Chánh qua đời, giấy tờ này để lại cho con ruột là Phạm Minh Hận quản lý. Trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Phì cùng vợ chồng ông Thương sang nhà ông Hận xin lại giấy tờ đất đai. Ngày 28-11-1997, ông Hận làm tờ ưng thuận trả nhà và đất cho cha con ông Phì với diện tích mặt tiền 27,3 m, dài 70 m và hậu đất 12 m. Chính quyền phường 8, thị xã Bạc Liêu chứng kiến, xác nhận đất về chủ cũ.
Ngày 30-11-2001, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông Phì với diện tích 1.392,3 m2. Sau đó, ông Phì chuyển nhượng 265,5 m2 đất cho người khác, 1.126,8 m2 còn lại chuyển hết cho vợ chồng ông Thương quản lý và sử dụng ổn định.
Khoảng năm 2005, ông Hận chuyển nhượng cho ông Phan Hùng Việt (khi đó làm giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu) phần đất cặp ranh với đất ông Thương. Ngày 29-7-2007, ông Việt được cấp 2 sổ đỏ có tổng diện tích 490,1 m2, nằm giữa đất ông Thương và ông Hận.
Khi ông Việt tiến hành cắm ranh mốc thẳng theo sổ đỏ thì ông Hận không đồng ý, bắt phải cắm theo “thực tế” là đường gấp khúc. Ông Việt nói làm vậy thì thửa đất bị cong đoạn giữa, bung về phía đất của ông Thương nhưng sau đó vẫn cắm mốc theo đường cong, dẫn đến tranh chấp với ông Thương.
Bản vẽ lập sau tranh chấp
Cuối năm 2008, ông Việt khởi công xây dựng nhà cho thuê. Phát hiện bị ông Việt lấn sang khoảng 1 m cặp ranh, dài khoảng 70 m, ông Thương không đồng ý cho xây dựng. Chính quyền phường 8 hòa giải không thành, ông Thương khởi kiện ông Việt ra TAND thị xã Bạc Liêu. Trong khi vụ án đang được thụ lý, UBND thị xã Bạc Liêu có công văn đề nghị tòa án chuyển toàn bộ hồ sơ tranh chấp đất giữa ông Việt và ông Thương về UBND và được tòa chấp thuận, đình chỉ giải quyết vụ án.
Ngày 27-3-2009, UBND thị xã Bạc Liêu ban hành quyết định thu hồi và hủy sổ đỏ của ông Thương (trước đó cũng đã thu hồi sổ đỏ của ông Việt). Năm 2011, ông Việt được cấp lại sổ đỏ mới có tổng diện tích là 541,55 m2.
UBND thị xã Bạc Liêu thu hồi sổ đỏ của ông Việt, ông Thương vì cho rằng trước đây cấp sổ đỏ có ranh đất đường thẳng là không đúng thực tế, mà phải là đường gấp khúc theo bản vẽ của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bạc Liêu lập ngày 30-8-2008. Đáng nói là bản vẽ này được lập sau khi xảy ra tranh chấp ranh đất giữa ông Việt với ông Thương.
Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Bạc Liêu cung cấp, lý do thửa đất của ông Việt được cấp lại nở thêm hơn 51 m2 so với sổ đỏ cũ là do ông mua thêm một phần đất cặp ranh với ông Hận. Cơ quan này cũng cho rằng thửa đất của ông Thương sau khi điều chỉnh lại không bị giảm diện tích, thậm chí còn tăng hơn 2 m2 (?).
Tuy nhiên, trên thực tế, thửa đất của ông Thương hiện bị mất 1 m chiều ngang, dài 70 m. Như vậy, phần đất này đang nằm ở đâu? Câu hỏi này rất cần các cơ quan chức năng xác định rõ.
Luật Đất đai 2003 quy định việc tranh chấp giữa 2 hộ có sổ đỏ không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền mà phải là TAND. Việc UBND thị xã Bạc Liêu giành giải quyết, ra quyết định thu hồi, hủy sổ đỏ là trái pháp luật.
Bình luận (0)