Hiện tượng cá chết hàng loạt tại biển miền Trung đã để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường biển và cuộc sống của người dân. Ngoài việc khẩn cấp truy tìm nguyên nhân thì việc bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường
Căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 23-6-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, ô nhiễm môi trường (ONMT) là sự biến đổi của các thành phần MT không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật MT và tiêu chuẩn MT, gây ảnh hưởng xấu đến người và sinh vật.
Hiện tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về thiệt hại do ONMT. Có quan điểm cho rằng thiệt hại do ONMT chỉ bao gồm những thiệt hại đối với các yếu tố MT tự nhiên (động vật, thực vật, đất, nước, không khí…) mà không bao gồm thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người. Quan điểm thứ hai thì tính luôn các thiệt hại đến chất lượng MT, sức khỏe, tài sản của con người.
Tuy nhiên, tại điều 163 Luật Bảo vệ môi trường quy định rất chi tiết đối với hành vi gây thiệt hại do ONMT mà theo đó, thiệt hại do ONMT không chỉ bao gồm thiệt hại đối với MT tự nhiên mà còn bao gồm cả thiệt hại đối với sức khỏe, tài sản của con người.
Đối với các nước có nền khoa học tiên tiến, việc xác định thiệt hại do ONMT cũng còn gặp nhiều khó khăn. Theo các nghiên cứu chung của chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme - UNEP), tổ chức này đưa ra nhiều cách thức xác định thiệt hại MT và được chia thành các nhóm sau:
Nhóm thứ nhất, việc xác định giá trị tổn thất đối với MT được thực hiện bởi tòa án hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực MT. Trường hợp không thể định lượng được chính xác những tổn thất, thiệt hại thì sẽ ấn định bằng một khoản tiền hợp lý có tính đến mức độ nghiêm trọng của sự thiếu cẩn trọng của con người, chi phí phục hồi và những lợi nhuận mà những người làm hại MT có được.
Nhóm thứ hai, xác định thiệt hại theo phương thức quy ra một khoản tiền cố định.
Nhóm thứ ba, giao cho các viên chức hành chính hoặc chính quyền địa phương xác định thiệt hại MT.
Ở Việt Nam, từ lý luận đến thực tiễn vẫn còn khá lúng túng trong việc xác định thiệt hại do ô nhiễm MT gây ra. Chẳng hạn, việc xác định thiệt hại trong các lần gặp sự cố tràn dầu, chúng ta đều phải nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các chuyên gia tư vấn quốc tế. Ngày 6-1-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2015/NĐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với MT cũng đã tháo gỡ một số bất cập.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ONMT được pháp luật ghi nhận như sau:
Cá nhân, tổ chức gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường. Trách nhiệm này trước hết được hiểu là trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội vì đã xâm hại đến các quyền cơ bản của con người, đó là quyền được sống trong một MT an toàn và trong lành. Kế đến mới là trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân cụ thể là nạn nhân của sự xâm hại đó, thể hiện qua việc bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị hại.
MT có thể bị xâm hại từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân khách quan tác động đến MT (bão, động đất…) thì không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Các yếu tố chủ quan do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác… thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại về MT phát sinh khi có đủ các dấu hiệu cấu thành trách nhiệm pháp lý dân sự, ngay cả khi người gây ONMT không có lỗi (điều 624 Bộ Luật Dân sự 2005).
Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, Luật BVMT quy định nếu không tự thỏa thuận được về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ MT phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện MT. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc xác định mức độ gây hại cho MT của từng đối tượng là không đơn giản. Bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau là giải pháp đã được pháp luật dân sự dự liệu trong trường hợp này. Để bảo đảm sự công bằng trong việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về MT, các chuyên gia cho rằng nếu người gây thiệt hại chứng minh được mức độ mà mình gây thiệt hại đối với MT là không đáng kể thì họ chỉ phải bồi thường theo phần tương ứng với mức độ gây hại. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về người gây thiệt hại sẽ giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao hơn trách nhiệm bảo vệ MT cũng như nâng cao năng lực tự bảo vệ mình trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần dự liệu trong trường hợp không áp dụng được trách nhiệm bồi thường vì thiệt hại MT là kết quả của hiện tượng tích tụ và cộng dồn các ảnh hưởng tới MT, trong khi từng đối tượng lại tác động không quá mức giới hạn tới MT.
Cần có những điều chỉnh phù hợp
Về nguyên tắc, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời song trong lĩnh vực MT, do giá trị của các thiệt hại thường rất lớn và khó xác định nên khó có thể thực hiện được. Pháp luật cần có các quy định linh hoạt hơn để giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, theo Bộ Luật Dân sự, thời hạn khởi kiện là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Cần tính đến trong lĩnh vực MT, ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại không hoàn toàn trùng khớp với ngày phát sinh thiệt hại trên thực tế (không bị ảnh hưởng ngay tức thì mà ảnh hưởng từ từ). Các nhà làm luật cần có những điều chỉnh đối với lĩnh vực MT cho phù hợp hơn, hướng tới việc quy định thời hiệu khởi kiện gắn với ngày mà thiệt hại thực tế xảy ra và cần có khoảng thời gian dài hơn quy định hiện nay.
Bình luận (0)