Ai cũng biết trường học là một xã hội thu nhỏ, có trò tốt cũng có học sinh chưa ngoan. Việc giáo dục để các em thành người, là một công dân tốt cho xã hội không phải là việc dễ nhưng điều quan trọng là phải dạy cho học sinh bằng cái tâm của một giáo viên, bằng tình thương và trách nhiệm "trồng người". Không phải bằng những cái tát làm cho học sinh cảm thấy bị xúc phạm, xấu hổ trước cả lớp như vụ xảy ra tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình mới đây.
Chuyện xảy ra khiến nhiều người thắc mắc hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh đã ở đâu khi cô Nguyễn Thị Phương Thủy cho các học sinh tát bạn mình hàng trăm cái trong buổi học hôm đó? Hiệu trưởng trường có biết việc cô Thủy đã từng phạt nhiều học sinh lớp này cũng bằng hành vi phản giáo dục đó hay không? Trường có biết việc cô Thủy từng có xử lý kỷ luật mạnh tay ở trường cô đã dạy trước đó để uốn nắn, điều chỉnh hành vi hay cho qua vì kỷ luật mạnh sẽ đem lại thành tích tốt, thành "trường chuẩn quốc gia mức độ II" như cô hiệu trưởng mong muốn.
Việc bao che, ém nhẹm thông tin để trường được công nhận là trường dạy tốt, học tốt, chất lượng cao đã làm cho không chỉ cô giáo mà hiệu trưởng trường quên đi trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục của mình; chỉ áp dụng những kỷ luật tàn ác, ép các em vào khuôn phép trong sự sợ hãi, oán hận. Bạn đọc Nguyễn Phi Luật Tân đặt vấn đề: "Sao những hành vi phản giáo dục này vẫn xảy ra hoài vậy? Nghị định 138 hiệu trưởng các trường có đọc không? Đề nghị kỷ luật hiệu trưởng trường này mới nghiêm". Bạn đọc Anh Khoa cũng đồng thuận ý kiến trên: "Ủng hộ kỷ luật cách chức hiệu trưởng".
Những tổn thương mà cô giáo Thủy gây ra là do ban giám hiệu và giáo viên quá mắc bệnh thành tích nên ngoài xử lý hình sự bằng cách khởi tố cô giáo đã hành hạ học sinh, bạn đọc Vanthanhkhdt còn đề xuất: "Cho cô Thủy ra khỏi ngành giáo dục, đồng thời khởi tố là thích đáng. Riêng hiệu trưởng của trường có hành vi bao che, giấu diếm, giả dối vì bệnh thành tích, cũng phải xử lý nghiêm. Lại thêm 1 cái tát nữa cho ngành giáo dục".
Theo nyhieefu bạn đọc, xử lý luôn cả người lãnh đạo mới mong giảm được việc trường chạy đua cùng thành tích- căn bệnh trầm kha và khó trị của ngành giáo dục- mà bất chấp tất cả, kể cả gây ra những nỗi đau tinh thần và thể xác cho học sinh.
Bình luận (0)