Vụ việc xảy ra vào cuối năm 2017, khi anh N.C.R (38 tuổi; ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đem 100 USD của người thân cho ra tiệm vàng đổi thì bị công an ập vào bắt quả tang. Ngoài tịch thu số tiền của anh R., công an còn lập biên bản, xử phạt hành chính anh R. 90 triệu đồng. Liên đới trong vụ này, chủ tiệm vàng bị phạt gần 300 triệu đồng, đồng thời tiệm cũng bị tịch thu 20 viên kim cương và 19.910 viên đá hột nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng. Quyết định được công an tống đạt vào tháng 9-2018, căn cứ vào các điều khoản của Nghị định 96.
Không chỉ người bị phạt kêu trời vì mức phạt quá nặng và quá bất ngờ với các điều khoản của nghị định này khi việc thu đổi ngoại tệ vẫn thường diễn ra tại rất nhiều tiệm vàng, mà rất nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động cũng lên tiếng. Bạn 4 nổ ấm ức: "Thật khó hiểu, đổi 100 USD bị phạt 90 triệu". Bạn James cũng bức xúc: "Đổi 100 USD mà bị phạt 90 triệu đồng, không hợp tình hợp lý chút nào cả". Việc thu đổi ngoại tệ hợp lệ hay không hợp lệ từ một cơ quan, doanh nghiệp nào phải do nhà nước quản lý và có chế tài để nơi đó không vi phạm pháp luật, còn người dân làm sao biết được nơi nào được hay không được phép giao dịch, mua bán.
Từ vụ phạt gây sốc này bạn đọc jerry nguyen nêu vấn đề: "Nhờ quý báo thăm dò thử xem có bao nhiêu người dân biết Nghị định 96 này, tôi tin chắc 100% đều không biết, trừ những người làm việc liên quan đến nghị định này. Không biết thì có phạt được không? Hơn hết là nghị định này đang làm khó cho dân, khi đa số người dân có ít ngoại tệ, lại cần bán gấp để xoay xở.
Nếu đọc kỹ điểm g, khoản 2 của nghị định này sẽ thấy mức phạt từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng cho hành vi mua bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau…Mức phạt và điều khoản này theo nhiều bạn đọc là vô lý bởi nhu cầu mua bán một vài trăm USD để giải quyết việc gấp là có và không phải ai cũng biết rõ chỗ nào thu mua ngoại tệ có phép. Hơn nữa, ít có điểm thu mua ngoại tệ có treo bản “được phép mua bán ngoại tệ” thì biết đâu mà lần? Chưa kể các điểm này và ngân hàng nghỉ cuối tuần, người dân phải đi đâu đổi để giải quyết việc cấp bách?
Theo nhiều bạn đọc, ở đây chưa có sự rõ ràng trong việc hành pháp. Muốn luật đến với người dân và hành luật nghiêm minh, nhà nước cần phải tuyên truyền sâu rộng để không làm khó người dân trước những quyết định xử phạt đến ngỡ ngàng như vậy. Mức đóng phạt gấp 40 lần số tiền vi phạm. Và nếu không đóng phạt thì sẽ như thế nào khi đó không phải là số tiền nhỏ với đa số người dân hiện nay? Bạn đọc San đặt vấn đề: "Luật ban hành nhưng được tuyên truyền như thế nào để người dân phải biết mức độ nghiêm trọng mà không làm sai. Nếu không có 90 triệu đóng phạt thì sẽ ra sao?". Ngoài ra, nhiều bạn đọc mong nhà nước cần ban hành những luật thực tế, sửa sai những văn bản luật nào quá xa rời như một số điều khoản trong nghị định này.
Bình luận (0)